THẢO LUẬN TỔ 10: NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ VŨ KHÍ THÔ SƠ, ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI, ĐỒNG BỘ VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

24/05/2024

Chiều 24/5, thảo luận Tổ 10 (Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu) cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về vũ khí thô sơ đảm bảo tính khả thi và đồng bộ, thống nhất giữa các điều khoản của dự thảo Luật và hệ thống pháp luật.

THẢO LUẬN TỔ 10: CẦN ĐƯA RA THÔNG ĐIỆP CẢI CÁCH THỂ CHẾ CỤ THỂ VÀ THỰC THI THỰC CHẤT

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10

Về sự cần thiết sửa đổi luật, các ý kiến cho rằng, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này...

Góp ý về một số nội dung của dự thảo luật, tại khoản 5 Điều 63 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị làm rõ khái niệm “tổ chức khác” là tổ chức nào và điều kiện, trình tự, thủ tục để được cấp phép thực hiện nhiệm vụ “đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ”; cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quy định cụ thể để bảo đảm thuận lợi khi luật được triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Quy định về khai báo vũ khí thô sơ được quy định tại Điều 32 Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, quy định các nội dung nhằm tăng cường quản lý vũ khí thô sơ, tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng các loại vũ khí này là cần thiết.

Tuy nhiên, ở điểm a khoản 1 Điều 32 quy định: Tập thể, cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở hoặc cư trú.

Theo đại biểu, mặc dù đây là quy định kế thừa từ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và theo giải trình của cơ quan soạn thảo là Bộ Công an là trong quá trình thực hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, vũ khí thô sơ cần được khai báo có phạm vi như thế nào không được quy định cụ thể, có thể phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi vũ khí thô sơ cần được khai báo.

Cũng quan tâm đến các quy định về vũ khí thô sơ tại khoản 4 Điều 3 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị ban soạn làm rõ nội dung này vì liên quan đến Điều 32 dự thảo Luật về khai báo vũ khí thô sơ; nếu không khai báo sẽ bị xử phạt còn nếu khai báo thì không biết khi nào là vũ khí khi nào không phải là vũ khí.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, nếu định nghĩa các loại vũ khí thô sơ căn cứ vào việc sử dụng hay không sử dụng là không hợp lý, bởi vũ khí chưa sử dụng cũng không biết trước sẽ được sử dụng vào việc gì, do vậy sẽ không tiến hành khai báo. Vì vậy, theo đại biểu nên định nghĩa theo hướng miêu tả vũ khí và công cụ, không nên gắn với mục tiêu sử dụng.

Với quy định vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm ở các khu di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần rà soát các quy định về quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của hiện vật trong Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Trường hợp vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm ở các khu di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, ngoài việc thực hiện theo quy định của luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan.

Tại phiên thảo luận Tổ 10, đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định liên quan đến bổ sung danh mục vũ khí thô sơ; công cụ hỗ trợ; trang bị vũ khí thể thao; tiền chất sử dụng làm vật liệu nổ; bổ sung quy định về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, quân dụng, công cụ hỗ trợ không đúng mục đích; quy định về giải thích từ ngữ...

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn ĐBQH: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu

Đại biểu Lữ Văn Hùng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu điều hành phiên thảo luận tại Tổ 10.

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ 10

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu.

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ 10.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác