THẢO LUẬN TỔ 3: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CẢNH VỆ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

24/05/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đa số ý kiến tại Tổ 3 nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới. Tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3 có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương.

THẢO LUẬN TỔ 3: CÔNG TÁC RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CẦN ĐƯỢC THỰC HIỆN THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3

Tổ 3 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy, Tổ phó Tổ 3 điều hành phiên họp.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nội dung xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tổng số 15/33 điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, theo đề nghị của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ dự kiến sẽ được thông qua theo quy trình một kỳ họp, vì phạm vi và mức độ sửa đổi của dự án Luật này không nhiều. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, thực tế hiện nay nhiều lực lượng của địa phương (ví dụ công an tỉnh, công an huyện) cũng tham gia theo yêu cầu của Bộ Công an khi có các đối tượng cảnh vệ, đề nghị các đại biểu nghiên cứu cho ý kiến thêm về vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Văn Hữu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội thông qua vào năm 2017, cơ bản các nội dung của Luật phù hợp với các điều kiện thực tiễn. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Cơ quan Thường trực Bộ Công an đã tiến hành tổng kết dự án Luật này và đánh giá đạt được kết quả nhất định cũng như duy trì lực lượng cảnh vệ để thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian qua. Dự án Luật này liên quan đến đặc thù chuyên ngành của lực lượng cảnh vệ quân đội, công an. Qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật lần này, đại biểu Hoàng Văn Hữu nhận thấy dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật này, đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, ngoài cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, cần thiết ban hành dự án Luật này càng sớm càng tốt để tạo thuận lợi cho công tác cảnh vệ và giải quyết các vấn đề khó khăn của lực lượng này hiện nay.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ tập trung vào các nội dung chính như: sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, sửa đổi quy định hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ, bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ, quy định về các chế độ và biện pháp cảnh vệ…. cũng cần được quy định rõ trong Luật để tạo điều kiện cho lực lượng cảnh vệ; bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ; liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ - đây là chính sách lớn bởi trong thực tiễn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần được quy định trong Luật để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ.

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu rõ, quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh là nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến của ĐBQH để tham mưu cho Quốc hội làm sao vừa đảm bảo các đường lối, chủ trương của Đảng và các pháp luật có liên quan, vừa đảm bảo thực thi trong cuộc sống, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, tạo cơ sở pháp lý tốt nhất để lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Góp ý về đối tượng cảnh vệ, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bởi căn cứ Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở thì những chức danh trên có vị trí rất quan trọng:

- Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm.

Về nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị bổ sung các hội nghị, lễ hội, đại hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào nhóm sự kiện đặc biệt quan trọng thuộc đối tượng cảnh vệ:  “đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự”.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tại Tổ 3:

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy, Tổ phó Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, theo đề nghị của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ dự kiến sẽ được thông qua theo quy trình một kỳ họp

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3

Đại biểu Hoàng Văn Hữu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu rõ, qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật lần này, đại biểu Hoàng Văn Hữu nhận thấy dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ trong tình hình mới

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý vào dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác