Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đồng ý trình Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

17/04/2017

Sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước đó, Dự án Luật đã được các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 6 và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào ngày 5/4 vừa qua.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận nội dung thảo luận                              Ảnh: Đình Nam

Thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khi giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200 lao động, bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội, sẽ thu hẹp đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ theo Luật này. Theo thống kê của BHXH năm 2015, trong khoảng 480.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 doanh nghiệp tham gia BHXH, chiếm khoảng 42% tổng số doanh nghiệp. Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH. Đối với các đối tượng có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.   

Về đề nghị tên luật là Luật phát triển DNNVV, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy nội hàm của "phát triển" rất rộng, bao gồm cả về mặt số lượng và chất lượng, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp. Tên luật như hiện nay thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước là hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa là những đối tượng yếu thế hơn trong thị trường hoạt động ổn định, các điều khoản trong dự thảo Luật cũng quy định việc hỗ trợ cụ thể cho DNNVV Nhà nước đóng vai trò là người dẫn dắt để các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng với Nhà nước hỗ trợ cho DNNVV phát triển.

Về đề nghị đối tượng áp dụng của Luật này không bao gồm DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài và DNNVV có vốn nhà nước, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với một số nội dung hỗ trợ cơ bản như đào tạo, thông tin, tư vấn hoặc hỗ trợ trọng tâm thì DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài và DNNVV có vốn nhà nước vẫn được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, với hỗ trợ thuế và mặt bằng sản xuất thì sẽ chỉ hỗ trợ cho DNNVV tư nhân trong nước. Để tránh phân biệt đối xử, Dự thảo Luật đã tiếp thu nhưng không quy định trực tiếp tại Điều 2 mà quy định tại khoản 3, Điều 5 để làm cơ sở pháp lý cho Chính phủ hướng dẫn thi hành, thu hẹp nội dung hỗ trợ đối với DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài và DNNVV có vốn nhà nước.

Về việc cần quy định trong Luật tiêu chí xác định cụ thể từng loại doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa trong từng ngành lĩnh vực, đề nghị chọn tiêu chí doanh thu làm tiêu chí ưu tiên hơn, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong Dự thảo Luật trình Quốc hội đã ghi cụ thể tiêu chí xác định từng nhóm doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc ghi cụ thể như vậy cũng có nhiều bất cập, không tạo sự ổn định của Luật. Do vậy dự kiến tiếp thu theo hướng quy định nguyên tắc chung về tiêu chí xác định DNNVV và khung giới hạn về tổng nguồn vốn, doanh thu và số lao động là 3 tiêu chí phổ biến nhất mà thông lệ các nước hay sử dụng, cụ thể giao Chính phủ hướng dẫn, quy định phù hợp với quy mô của DNNVV từng thời kỳ. Bên cạnh tiêu chí lao động, dự thảo Luật đã bổ sung tiêu chí doanh thu và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Điều 15), Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp, quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế trong khi vẫn phải áp dụng các quy định phức tạp về hệ thống sổ sách kế toán, nhân sự quản lý tài chính như các doanh nghiệp vừa, do vậy dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung tại Điều 9 quy định để tạo cơ sở pháp lý cho luật chuyên ngành sửa đổi, bổ sung cho nhóm doanh nghiệp này được áp dụng thủ tục thuế và kế toán đơn giản hơn hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này. Như vậy, mặc dù không bổ sung trực tiếp tại Điều 15 nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh cơ bản sẽ là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Điều 9. Với quy định này sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế và là một hỗ trợ quan trọng để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp cần tránh cấp rời, cấp lẻ và không hy sinh môi trường cho kinh tế

Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất (Điều 10- Dự thảo Luật), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, người kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ vào được cụm công nghiệp là rất khó khăn bởi những yếu tố như xử lý môi trường, kinh phí, nguồn vốn để đầu tư vào nhà xưởng… Vì vậy, phương án nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà xưởng để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê lại sẽ hiệu quả hơn.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, thứ nhất, phải hình thành các khu công nghiệp lớn tập trung thì mới gắn được xử lý môi trường. Việc xử lý môi trường của các cụm công nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn, do đó nếu tiếp tục chủ trương hình thành các cụm công nghiệp nhỏ thì đương nhiên phải “hy sinh môi trường”. Việc cấp rời, cấp nhỏ lẻ mặt bằng sản xuất hiện không đúng với chủ trương và cũng sẽ gây lúng túng cho địa phương không còn quỹ đất.

Do đó, Trưởng Ban công tác đại biểu đề nghị cần hình thành những doanh nghiệp lớn để hình thành các khu công nghiệp tập trung, để có mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê lại. Đồng thời bày tỏ nhất trí với Khoản 2, Điều 10 Dự thảo nhưng đề nghị xem xét lại Khoản 1 để thể hiện tinh thần “không cấp rời, cấp lẻ và không hy sinh môi trường cho kinh tế”.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy phát biêu ý kiến tại phiên họp

Giải trình, làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước tình hình doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn đất, tiếp cận mặt bằng bởi chi phí rất cao, Ban soạn thảo Dự án Luật đã có chủ trương trong việc sẽ tập trung các doanh nghiệp vào một khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giải quyết vấn đề môi trường, vấn đề năng lượng, điện, nước, lao động, để cho thuận tiện và chi phí thấp. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư các khu cụm công nghiệp để hình thành lên một mặt bằng có cạnh tranh và có ưu đãi hơn dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng do nguồn lực chưa cho phép nên không thể tiếp cận theo cách đó và đề nghị chỉ để địa phương tạo quỹ đất, giảm giá tiền thuê đất, còn nhà nước không tham gia hỗ trợ trực tiếp.

Làm rõ quy định về trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong Dự thảo Luật

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, sau Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý cho Dự thảo Luật vừa qua, việc điều chỉnh Dự thảo Luật vẫn chưa triệt để và còn bất hợp lý tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 30. Cụ thể, Khoản 1 quy định VCCI ngoài nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này không đúng với tinh thần của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất và Điều lệ VCCI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại cả hai văn bản này thì Bộ Chính trị đã xác định VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, là tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp và thực hiện chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp, người sử dụng lao động ở Việt Nam.

Tại Khoản 2, Điều 30, Chủ tịch VCCI cho rằng, thiết kế trong Dự thảo Luật hiện “đã quên đi” hệ thống các Hiệp hội khác như Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố, các Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, hiệp hội doanh nhân nữ, hiệp hội doanh nghiệp tư nhân…. Tất cả các hiệp hội này ở Việt Nam đều 97%, 98%, thậm chí 99% hội viên của họ đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội viên của VCCI cũng 98%- 99% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nên tất cả các hiệp hội này đều là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam và cần phải được thể hiện trong văn bản này. Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị ghi VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, không tách riêng điều VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp; đề nghị thiết kế lại Điều 30 theo hướng bỏ Khoản 1, bỏ Khoản 2, không quy định 2 khoản mà chỉ quy định 1 khoản, trong đó ghi rõ "Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp có nhiệm vụ sau đây", có đủ 6 nhiệm vụ nhưng riêng nhiệm vụ đầu tiên là đại diện cho lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không đề là của các doanh nghiệp hội viên mà là đại diện cho quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, bởi vì nếu có cả VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp thì đây chính là hệ thống đại diện cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Điều này cũng đúng theo các quyết định của Bộ Chính trị, của Đảng, Nhà nước ta từ trước tới nay.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến tại phiên họp

Nhất trí với quy định tại Điều 30 trong Dự thảo Luật hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho rằng, việc quy định nhiệm vụ trách nhiệm của tổ chức này thể hiện sự đổi mới tư duy phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước chuyển giao một số nhiệm vụ trước đây do các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực hiện cho các tổ chức xã hội, trong đó có các hiệp hội doanh nghiệp. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được Đảng và nhà nước công nhận là một tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong toàn quốc. Nhiệm vụ, trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được quy định trong Dự thảo Luật như hiện nay cơ bản là phù hợp với nhiệm vụ trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa giao phó cho hiệp hội.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định, Điều 30 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề khác có thể chủ động và phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở quy định này của luật, sau khi được Quốc hội thông qua, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện đầy đủ các quy định của luật, góp phần thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong toàn quốc. Việc quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của từng tổ chức tại Điều 30 cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm của từng chủ thể, tránh tình trạng quy định trách nhiệm chung chung.

Phát biểu tại nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình (là nơi Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân là thành viên) phải tranh luận vấn đề này khi Dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới đây; đề nghị Ủy ban Kinh tế rà soát lại Điều 30 để đảm bảo quy định rõ chức năng, nhiệm vụ nhưng “không mất vai trò của ai”.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đây là lần thứ hai Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau khi dự án luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách nên cơ bản đã đạt được yêu cầu, đã thu gọn được các điểm còn ý kiến khác nhau.

Qua thảo luận tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, thứ nhất, về cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình dự thảo luật cũng như toàn bộ dự án luật mà Ủy ban Kinh tế là cơ quan thẩm tra đã trình ra. Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định đây là luật khung, đưa ra nguyên tắc và tạo cơ sở pháp lý để sửa các luật khác như các Luật thuế, Luật đất đai, Luật các tổ chức tín dụng và các chương trình quốc gia.

Về một số nội dung cụ thể: về tên gọi, dự thảo luật để thể hiện đúng bản chất và mục tiêu của dự án luật. Về tiêu chí, thống nhất ba tiêu chí là doanh thu, vốn và lao động. Riêng về tiêu chí lao động lấy trần là 200 lao động là hợp lý, yêu cầu các lao động này phải tham gia bảo hiểm xã hội nhằm đặt ra bảo vệ quyền lợi của người lao động và đề cao trách nhiệm của giới chủ.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất về nội dung, chương trình, về ba quỹ hỗ trợ như dự thảo luật, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc là có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và phù hợp với khả năng của ngân sách thực tế và điều kiện của đất nước. Đồng thời đề nghị rà soát lại Điều 30 để không ảnh hưởng tới chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ngành nghề khác; đề nghị rà lại các Điều 10, 15, 16, 17 trong Dự thảo Luật; đề nghị xác định rõ thời điểm thi hành để có lộ trình sửa các luật có liên quan khi Luật này có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý sau khi Dự thảo Luật được tiếp thu ý kiến sẽ trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới đây.

Quang Minh