Ban soạn thảo Luật hành chính công họp phiên toàn thể lần thứ 3

17/04/2017

Chiều 17/4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban soạn thảo Luật hành chính công họp phiên toàn thể lần thứ 3. Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật hành chính công, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật hành chính, đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính côngTrần Thị Quốc Khánh phát biểu khai mạc phiên họp

Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh cho biết cho biết, phiên họp lần này nhằm xem xét, thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả 4 tháng hoạt động của Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công; dự thảo Đề cương Báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật hành chính công; dự thảo Đề cương Báo cáo đánh giá tác động chính sách; dự thảo Đề cương báo cáo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng dự án Luật hành chính công và dự thảo Luật hành chính công.

Dự án Luật hành chính công đang trong quá trình chuẩn bị theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Dự thảo Luật hành chính công được xem xét tại phiên họp toàn thể của Ban soạn thảo là bản dự thảo đầu tiên, có bố cục 7 chương và 66 điều. Nội dung của dự thảo luật đề cập đến thủ tục hành chính công; dịch vụ công; chính phủ điện tử; kiểm soát hành chính công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành chính công. Đây là những chính sách quan trọng của nền hành chính nhưng chưa được quy định trong một văn bản luật chung mà mới chỉ quy định rải rác trong các luật, nghị định hay quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh việc giải thích rõ các khái niệm về hành chính công, dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, dự thảo luật cũng đề cập đến các khái niệm mới như chính phủ điện tử hay chính quyền điện tử, hợp đồng hành chính công.

Tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, nhất trí với mục tiêu xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định về quản lý hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tạo cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động và chất lượng dịch vụ công.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, thành viên Ban soạn thảo Phùng Văn Hùng phát biểu tại phiên họp

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật là một trong những nội dung quan trọng nhất. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ và xác định rõ các nội dung liên quan đến đối tượng, chủ thể của hành chính công. Đại biểu Phùng Văn Hùng nhấn mạnh, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật không nên quá mở rộng mà cần tập trung vào bộ máy nhà nước, các đối tượng trong bộ máy nhà nước nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong hoạt động hành chính nhà nước mà người dân, xã hội đang cần.

Các đại biểu cũng đề nghị cần tập trung quy định rõ hơn một số nội dung của dự thảo Luật như về dịch vụ công; cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hợp đồng dịch vụ công ích; kiểm soát chất lượng thủ tục hành chính. Cũng có đại biểu đề nghị rà soát các nội dung của dự thảo Luật để tránh chồng lấn với các nội dung của các luật hiện hành có liên quan như Luật thanh tra; Luật cán bộ, công chức…Đồng thời có sự rà soát, so sánh, tổng hợp để tham khảo, kế thừa các quy định trong các văn bản dưới luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính đang được thực hiện hiệu quả, nề nếp trên thực tế.

Liên quan đến hồ sơ dự án Luật, Trưởng ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, thành viên Tổ biên tập Đậu Anh Tuấn cho rằng cần bổ sung báo cáo tổng kết tình hình thực hiện hành chính công ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là xem xét đánh giá hiệu quả thực hiện thí điểm các trung tâm hành chính công ở các địa phương bởi đây là căn cứ thực tiễn quan trọng để quy định các nội dung khác trong dự thảo Luật.

Thành viên Ban soạn thảo, GS.TS Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tổng hợp các nội dung thảo luận tại phiên họp, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo, GS.TS Phan Trung Lý cho biết về cơ bản các thành viên Ban soạn thảo tán thành với nội dung chính của dự thảo Luật, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung nội dung liên quan đến thủ tục hành chính, quyết định hành chính vào dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu phát biểu tại phiên họp, Ban soạn thảo và Tổ biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý để hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Luật hành chính công.

Tin và ảnh: Bảo Yến