Ngày 22/5, khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

17/04/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, chiều 17/4, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV. Theo dự kiến, kỳ họp này sẽ diễn ra trong 21,5 ngày, khai mạc vào ngày 22/5/2017 và bế mạc vào ngày 20/6/2017.

Trình bày Báo cáo Một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp thứ 3 sẽ rút 04 dự án luật ra khỏi chương trình: Luật về hội; Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện. Bổ sung 02 nội dung trình Quốc hội thông qua: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam- Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 là 21,5 ngày, trong đó không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/5/2017 và dự kiến bế mạc vào ngày 20/6/2017.

Theo đó, về công tác lập pháp, dự kiến nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội xem xét, thông qua 13 dự án luật: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi) ; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Quốc hội xem xét, thông qua 3 dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về 4 dự án luật: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật tố cáo (sửa đổi).

Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016; Xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Đối với đề nghị của Chính phủ về bổ sung 03 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu, dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp), căn cứ kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Tổng thư ký Quốc hội sẽ điều chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Dự kiến chương trình chi tiết được bố trí như thông lệ; đồng thời, tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp trước như ghép việc trình bày các tờ trình, báo cáo, thông qua luật, nghị quyết cùng với thảo luận tại hội trường; bố trí 02 dự án/buổi thảo luận ở tổ và 01 dự án/buổi thảo luận ở hội trường. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, công tác chuẩn bị kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm kịp phục vụ kỳ họp. Nhìn chung, việc chuẩn bị các dự án luật được thực hiện tích cực, khẩn trương, có nhiều tiến bộ, bảo đảm tiến độ đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Tổng thư ký. Đặc biệt, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cao với việc không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu.

Bên cạnh đó, đối với đề nghị của Chính phủ về bổ sung 03 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Quốc hội phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chính phủ cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và các vấn đề này đều phải qua 2 vòng xin ý kiến; nếu trong phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 4 này, những nội dung này không được đưa vào thảo luận cho ý kiến, thì không nên đưa vào nội dung kỳ họp thứ 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tăng số ngày chất vấn lên để kéo dài thời gian tranh luận giữa người được chất vấn và người chất vấn tại Hội trường, còn nội dung chất vấn thì nên giữ như chương trình dự kiến.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cho rút 4 dự án luật ra khỏi chương trình kỳ họp và cho bổ sung 2 nội dung trình liên quan đến Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam- Lào.

Về đề nghị của Chính phủ 3 nội dung mà Tổng Thư ký đã nêu, Ủy ban thường vụ thấy rằng cần thiết xem xét nghị quyết về xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Chính phủ phải trình để Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4 này, Chính phủ chuẩn bị thêm để kịp thẩm tra và cho ý kiến, còn để tới phiên họp tháng 5 thì không kịp. Riêng nghị quyết này cho ý kiến tại một kỳ họp nhưng vẫn phải 2 vòng, tức là sau khi thảo luận cho ý kiến rồi, tiếp thu chỉnh lý giải trình và báo cáo lại. Còn dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, nếu muốn đưa cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 thì tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến trước rồi đến phiên họp tháng 5 cho ý kiến lần nữa mới trình ra Quốc hội xin ý kiến lần đầu. Còn về dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tới bây giờ vẫn chưa có văn bản gì nên không đưa nội dung này vào kỳ họp thứ 3.

Về dự kiến chương trình chi tiết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trao đổi trực tiếp với chủ nhiệm các Ủy ban và điều chỉnh hợp lý về thời gian để các Ủy ban có thời gian chuẩn bị rà soát cho thông qua các dự án Luật; nếu Luật nào phải lấy ý kiến 2 vòng thì phải đưa ra trình sớm để có thời gian quay lại vòng thứ hai. Quốc hội sẽ không làm việc ngày thứ 7 mà để dành cho các Ủy ban làm việc, xem xét kỹ các dự án Luật.

Đặng Mai