UBTVQH thảo luận Luật quy hoạch: Đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề quy hoạch vùng trời quốc gia

17/04/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 3) dự án Luật quy hoạch. Trước đó, Dự án Luật đã được trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2; tại một số Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua. Qua nhiều lần thảo luận, trao đổi, nhiều nội dung vẫn được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đề nghị làm rõ, một trong số đó là vấn đề về quy hoạch vùng trời quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật        Ảnh: Đình Nam

Thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, chiều ngày 5/4/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch, trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại Hội nghị và kết luận của Chủ trì Hội nghị, ý kiến của Chính phủ tại phiên họp ngày 11/4/2017 về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, sắp xếp lại bố cục của dự thảo Luật cho phù hợp hơn gồm 7 chương 69 Điều.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trong đó có đề nghị bổ sung quy hoạch vùng trời vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu và thể hiện khái niệm “quy hoạch tổng thể quốc gia” là quy hoạch ở cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo (kể cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa), vùng biển, lòng đất, vùng trời theo quy định của pháp luật về biên giới quốc gia; hệ thống đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Khái niệm này thể hiện rằng, nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ mang tính chiến lược và thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia bao gồm việc chia sẻ sử dụng không gian, trong đó có không gian biển, có không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và cả không gian vùng trời. Ngoài ra, không gian ở một độ cao nhất định cũng chịu sự điều chỉnh của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ví dụ việc quản lý sử dụng vùng trời cho hoạt động hàng không dân dụng giữa các quốc gia được thực hiện thông qua Công ước về hàng không dân dụng quốc tế (Công ước Chicago năm 1944).

Đối với hoạt động an ninh quốc phòng thì việc sử dụng vùng trời phải tuân thủ điều ước quốc tế liên quan đến an ninh quốc phòng, sử dụng vũ khí như thể lệ vô tuyến điện của ITU; Quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO (Mục 5 của Tài liệu Tham chiếu Qui định Độc lập); Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận hợp chuẩn thiết bị viễn thông – MRA. Đối với không gian vũ trụ chịu sự điều chỉnh của Hiệp ước quốc tế về những nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác (Hiệp ước về khoảng không vũ trụ 1967); Hiệp ước về cứu hộ nhà du hành vũ trụ, trao trả nhà du hành vũ trụ và các vật thể được phóng vào vũ trụ (Hiệp ước về cứu hộ 1968); Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra (Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1972); Công ước về Đăng ký các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ (Công ước về đăng ký 1975); Hiệp ước điều chỉnh các hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác (Hiệp ước Mặt trăng 1979)...

Ghi nhận việc Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc chỉ đưa “vùng trời” vào phần “giải thích từ ngữ” là chưa đủ. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên đưa quy định quy hoạch vùng trời quốc gia vào mục quy hoạch cấp quốc gia, trong đó: a là quy hoạch tổng thể quốc gia; b là quy hoạch vùng trời quốc gia, rồi mới đến các mục khác.  Trong quy hoạch vùng trời quốc gia, nhất thiết phải nghiên cứu để có một điều cho quy hoạch vùng trời quốc gia trong nội dung quy hoạch tại Mục 2, Chương II; ngoài ra các phần về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng không gian biển cũng nên có một điều quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc quy hoạch vùng trời đặc biệt quan trọng, vì rất nhiều lực lượng quan hệ đến vùng này, nó liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng và đặc biệt là vấn đề bảo vệ vùng trời. Vùng trời là vùng dễ bị xâm nhập nhất, các hoạt động khác dễ xâm nhập vào. Ví dụ, hàng không dân dụng của ta với của bạn, không quân của ta, của bạn, của các nước, các phương tiện bay của ngành thể thao, du lịch Việt Nam, vấn đề sử dụng tần số của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành khác…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung trong Dự thảo Luật

Giải trình với Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên thực tế các nước không làm quy hoạch vùng trời mà họ thực hiện quản lý bầu trời theo quản lý bay (FIR) và tổ chức hàng không của ICAO, tức là quản lý theo phạm vi là biên giới, còn trong biên giới đó thì trên bầu trời ở chỗ nào, làm gì ở chỗ nào, quy hoạch cái gì thì không có quy hoạch mà chỉ là quản lý vùng bay. Bày tỏ tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước mắt nếu được thì nên giữ nguyên việc vẫn quản lý bầu trời theo FIR và của tổ chức hàng không ICAO, về sau khi cụ thể hóa thì sẽ tiếp thu và chỉnh lý hoặc bổ sung sau.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, “vùng trời” cần được quy định trong Dự thảo Luật, đây cũng là cơ sở để giải quyết các vấn đề phát sinh sau này. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cũng cho rằng, Luật biên giới quốc gia khẳng định rất rõ lòng đất, đất, biển, trời. Do đó, Dự thảo Luật cần có một mục quy định vấn đề này để làm cơ sở thỏa thuận, đấu tranh và khẳng định chủ quyền trên vùng trời.

Trao đổi với các ý kiến phát biểu trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc quản lý vùng trời thì tất cả các ngành đã làm nhưng chưa đưa vào một luật khung như việc phát hiện, theo dõi vùng trời bằng rada, việc sử dụng tần số, phân chia tần số cho các bộ, ngành đã làm…Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc chấp hành các quy định của ICAO, của luật pháp quốc tế thì việc quy hoạch, quản lý vùng trời phải được đưa vào Dự thảo Luật.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc quy định vùng trời vào Điều 5 như hiện nay là khó có nội dung, sẽ không hình dung được quy định cái gì trên đó, đường bay của nước nào…Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù đây là cái khó của Ban soạn thảo nhưng nếu quy hoạch tổng thể quốc gia mà không nói tới vùng trời là thiếu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải thảo luận thêm để quy định cụ thể nội dung tại Điều 5 trong Dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng quy hoạch tổng thể quốc gia mà không nói tới vùng trời là thiếu

Bên cạnh các nội dung trên, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan và các điều khoản chuyển tiếp khi xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch; về vấn đề hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch; về lập quy hoạch…

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua thảo luận của các vị đại biểu và ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình của Dự án Luật và khẳng định đây là luật khung, luật nêu nguyên tắc, là căn cứ để xem xét, sửa đổi các luật có liên quan.

Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với quy hoạch vùng trời. Thứ ba, thống nhất hệ thống quy hoạch quốc gia như Điều 5 của Dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề quy hoạch vùng trời quốc gia.

Thứ tư, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cần có một điều quy định nội hàm về hợp tác quốc tế. Thứ năm, thống nhất về phương pháp thích hợp và quy trình phối hợp trong lập quy hoạch. Thứ sáu, đề nghị rà soát lại điều khoản chuyển tiếp cho chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp tục trao đổi, thống nhất giữa các bên trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua.

Quang Minh