Báo cáo với Đoàn giám sát của UBTVQH, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, các chính sách của Nhà nước đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cũng như những cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề, vay vốn... đã góp phần đẩy nhanh số lượng, hiệu quả và tạo được nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, đặc biệt là người nghèo và quân nhân xuất ngũ. Bộ Quốc phòng đã hướng dẫn cho các quân nhân trước khi xuất ngũ hoặc đang học tại trường nghề của quân đội về chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bộ cũng chỉ đạo 15 trường nghề trong quân đội tăng cường đào tạo nghề và tiếng nước ngoài cho các đối tượng là quân nhân xuất ngũ có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài. Quy trình tuyển chọn lao động thực hiện công khai, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, do quân nhân xuất ngũ chiếm tỷ lệ cao là lao động phổ thông, kỹ năng làm việc còn hạn chế nên chỉ đáp ứng được thị trường dễ tính, chưa đáp ứng được các thị trường có yêu cầu kỹ thuật và thu nhập cao. Công tác tuyên truyền đến địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa thực hiện thường xuyên khiến người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thiếu căn cứ lựa chọn, đồng thời, tạo một dịch vụ trung gian, xuất hiện hiện tượng cò mồi, lừa đảo người lao động... làm giảm tác dụng của các chính sách về xuất khẩu lao động.
Bộ Quốc phòng đề nghị, Chính phủ có chính sách tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ có cơ hội đi làm việc tại các nước theo chương trình phi lợi nhuận; cho các doanh nghiệp quân đội có chức năng xuất khẩu lao động tham gia các chương trình lớn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để rà soát, tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, và kiên quyết xử lý với những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã đề nghị Bộ Quốc phòng làm rõ: trước và sau khi có Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở ngoài theo hợp đồng, tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có gì khác biệt không? Các doanh nghiệp trong quân đội có chức năng xuất khẩu lao động có thể thống kê được chi phí ngầm mà người lao động phải bỏ ra để đi làm việc ở nước ngoài hay không? Các giấy phép con trong quá trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tạo ra những phiền toái nào với doanh nghiệp và người dân? Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong quân đội có nhiều dư địa để phát triển như: đưa lao động đi theo các dự án, công trình ở nước ngoài của nhiều doanh nghiệp nhà nước; tăng cường quan hệ với một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động uy tín để tìm thêm các thị trường mới. Nhiều doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng đang thí điểm mô hình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài theo nhóm, với một kỹ sư dẫn đầu. Thực tế, mô hình này đã giúp người lao động nhanh chóng thích ứng với điều kiện làm việc mới, tăng hiệu suất lao động và bảo vệ kịp thời mọi quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Do vậy, Bộ Quốc phòng cần phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu xây dựng mô hình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiệu quả hơn, khắc phục các bất cập hiện nay. Và đẩy mạnh chương trình giáo dục nhằm nâng cao mặt bằng chất lượng văn hóa cho lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng được những thị trường tốt và tiềm năng hơn, góp phần tăng thu nhập cho quân nhân xuất ngũ, người nghèo.