CẦN XÂY DỰNG LUẬT ĐỂ LÀM CƠ SỞ BAN HÀNH CÁC CHÍNH SÁCH VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC

04/04/2022

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần nghiên cứu xây dựng Luật về công tác dân tộc để có nguyên tắc cụ thể, làm cơ sở ban hành các chính sách liên quan đến công tác dân tộc.

 

Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, triển khai tổ chức thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân tộc, giai đoạn 2016-2021, trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì soạn thảo, ban hành một số văn bản có nội dung liên quan đến công tác dân tộc gồm lĩnh vực báo chí, bưu chính và thông tư hướng dẫn triển khai đề án liên quan đến công tác dân tộc.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì soạn thảo Luật Báo chí và đã được Quốc hội thông qua ngày 05/4/2016. Từ đó hành lang pháp lý quan trọng cho thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc và hoạt động báo chí của người dân tộc được bảo đảm, phát huy. Các quy định của Luật Báo chí bảo đảm nguyên tắc trong Hiến pháp năm 2013 về các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc; phát huy phong tục tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc. Các cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực giới thiệu, biểu dương, nhân rộng các đơn vị, cá nhân, địa phương thực hiện tốt công tác dân tộc; tham gia phát hiện, giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về dân tộc, nhất là các ấn phẩm, kênh truyền hình bằng tiếng dân tộc; khuyến khích, động viên nhà báo, phóng viên có nhiều tin bài phản ánh tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và vi phạm pháp luật về dân tộc.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông không ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, Bộ cũng không ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, Bộ đã ban hành 03 văn bản theo thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông có liên quan đến công tác dân tộc; đồng thời có chính sách ưu tiên về bưu chính cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện chương trình cung cấp viễn thông cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ thuê bao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng viễn thông di động (đối với tượng thụ hưởng nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số), hỗ trợ 13 nghìn hộ dân tộc thiểu số và miền núi có phương tiện nghe và xem nhằm giảm nghèo về thông tin…

Theo đó, chính sách cung cấp dịch vụ bưu chính công ích đã được thể hiện trong Luật Bưu chính. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản hướng dẫn và quy định giá cước dịch vụ để đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ bưu chính thiết yếu cơ bản. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo phải có dịch vụ bưu chính công cộng để phục vụ người dân.

Trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành ký ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Chương trình đã mang lại kết quả tích cực đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi. Đặc biệt, chương trình đã hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ hơn 100.000 thuê bao di động cho các hộ sử dụng dịch vụ viễn thông di động, hỗ trợ cước sử dụng dịch vụ 40.000đ/tháng. Có thể thấy, tuy là chính sách chung cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng đối tượng thụ hưởng chủ yếu nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi khu vực miền núi có tỉ lệ hộ nghèo cao hơn khu vực đồng bằng.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa qua, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 2269/QĐ-Ttg phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025, các thôn, bản đều được trang bị các dịch vụ viễn thông công ích theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa có dịch vụ viễn thông với mục tiêu đến năm 2025, các thôn, bản sẽ có dịch vụ viễn thông và dịch vụ truy cập internet. Đặc biệt, trong năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ cho 400.00 hộ gia đình có thành viên đang học tại các cơ sở giáo dục theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó có chính sách về hỗ trợ 10.000 hộ gia đình có phương tiện nghe và xem nhằm giảm nghèo về thông tin. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTTT về hướng dẫn thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo nhằm hướng dẫn hình thức, kế hoạch hỗ trợ, nội dung hỗ trợ để thực hiện hỗ trợ thông tin, tuyên truyền đối với đồng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và vùng sâu, vùng xa.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, quan điểm của Bộ trong hướng dẫn là tuyên truyền về dân tộc Việt Nam nói chung chứ không riêng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong định hướng nội dung tuyên truyền và giao kế hoạch cho các cơ quan báo chí, Bộ cũng định hướng tuyên truyền về truyền thống lịch sử văn hoá của các dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Đề án còn tuyên truyền về truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam trong các thời kỳ để hun đúc tinh thần ấy trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại diện Vụ chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề

Ngoài ra, Thông tư hướng dẫn thực hiện Đề án này của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có sự tham gia của một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương theo lĩnh vực quản lý liên quan đến công tác dân tộc, nòng cốt là các cơ quan báo chí với ba nội dung chính về đào tạo nguồn nhân lực thông tin tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo; nghiên cứu các chủ đề có tính chất chuyên sâu để phục vụ công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động truyền thông.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, các văn bản do Bộ ban hành đều phù hợp với Hiến pháp, Luật, Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nội dung của các văn bản phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, hiện nay, các văn bản do Bộ ban hành liên quan đến công tác dân tộc vẫn đảm bảo sự thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành của Bộ.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần nghiên cứu xây dựng Luật về công tác dân tộc để quy định những nguyên tắc cụ thể cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ban hành các chính sách liên quan đến công tác dân tộc. Cho rằng trong công tác dân tộc sẽ có những đồng bào dân tộc thiểu số cần được ưu tiên hơn một số đồng bào dân tộc thiểu số khác, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cần có chính sách chung để làm căn cứ, cơ sở để thành lập các đề án, chương trình, cũng như có chính sách hỗ trợ rõ ràng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi./.

Minh Thành