CẦN CHỈ RÕ NGUYÊN NHÂN CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI CÒN TỒN ĐỌNG, CHƯA GIẢI QUYẾT TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG

04/04/2022

Đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác của Đoàn giám sát đề nghị Bộ chỉ rõ nguyên nhân các vụ việc khiếu nại còn tồn đọng, chưa giải quyết trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

 

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường phản ảnh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong 05 năm qua, cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật và tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Đồng thời, Báo cáo cũng thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, triển khai nhiều giải pháp, biện pháp, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua.

Đối với nội dung về tình hình khiếu nại, tố cáo, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết được 85,82% số vụ khiếu nại, 91,67% số vụ tố cáo. Tổ công tác đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ nguyên nhân các vụ việc khiếu nại còn tồn đọng, chưa giải quyết, vướng mắc pháp luật hay do công tác thực thi?

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ, Tổ trưởng Tổ công tác trình bày báo cáo

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành quy định rõ thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thường kéo dài hơn nhiều so với thời gian quy định. Nguyên nhân là do các vụ việc khiếu nại, tố cáo thường có tính chất phức tạp hơn so với các loại vụ việc khác, công tác lưu trữ hồ sơ địa chính qua các thời kỳ còn bất cập. Bên cạnh đó, do đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định nên trong một số trường hợp phụ thuộc vào người tham gia đối thoại (người có thẩm quyền giải quyết, trong khi do những người này thưởng phải xử lý rất nhiều công việc khác hoặc trên địa bàn phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại...) làm cho thời gian giải quyết kéo dài.

Đối với tranh chấp đất đai, trong kỳ báo cáo, số vụ việc khiếu nại, tố cáo, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Bộ còn tồn đọng, chưa giải quyết chiếm 14% số vụ việc phải giải quyết. Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là do vụ việc phức tạp, thời gian đã xảy ra từ nhiều năm, cần nhiều thời gian để thẩm tra, xác minh làm rõ vụ việc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương nên việc xác minh vụ việc, tổ chức làm việc thống nhất phương án giải quyết gặp khó khăn.

Khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, tập trung vào một số nội dung chủ yếu gồm: Khiếu nại liên quan đến việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Khiếu nại liên quan đến gia bồi thường, hỗ trợ; Khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất và trình tự, thủ tục thu hồi đất; Tranh chấp đất đai và đòi lại đất cũ; Các khiếu nại khác liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài chính về đất đai, dồn điền đổi thửa... Tổ công tác đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ nội dung các khiếu nại, tranh chấp trên để làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh pháp luật về quản lý đất đai.

Đối với kết quả rà soát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, trong kỳ báo cáo, số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và yêu cầu giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương chiếm khoảng 93,85% tổng số đơn đủ điều kiện xử lý. Nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo có những điểm chưa phù hợp, việc quy định thời hạn giải quyết ngắn, đặc biệt ở cấp huyện, do đó khi hết thời hạn giải quyết công dân khiếu nại đến cơ quan cấp trên. Bên cạnh đó, tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng giữa các cơ quan (cấp tỉnh chuyển về huyện, huyện chuyển về các phòng chuyên môn hoặc chính quyền cấp xã) dẫn đến bức xúc, người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đến các cơ quan Trung ương. Ngoài ra, việc công dân gửi đơn vượt cấp chiếm tỷ lệ lớn có một phần nguyên nhân là do nhận thức, ý thức của công dân, có thể không nắm rõ, không biết rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết nên gửi đơn đến nhiều cơ quan, nhưng cũng có không ít trường hợp mặc dù biết thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương nhưng gửi cơ quan Trung ương để gây áp lực yêu cầu sớm giải quyết vụ việc.

Về vấn đề này, Tổ công tác đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung phân tích, đánh giá cụ thể hơn số vụ việc này theo tính chất, địa bàn; xây dựng lộ trình cụ thể để xem xét, rà soát đối với từng vụ việc, phân loại vụ việc đã xem xét, đang xem xét; đánh giá hiệu quả, khó khăn, vướng mắc trong rà soát./.

Minh Hùng