PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ VÀ CHỈ ĐẠO HỘI NGHỊ ''KỸ NĂNG GIÁM SÁT DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ''

04/04/2022

Ngày 04/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị “Kỹ năng giám sát dành cho đại biểu dân cử” do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: Ngọc Thiện-TTXVN

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh chủ trì Hội nghị.

Tham dự có các đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại diện Thường trực HĐND; các báo cáo viên, cộng tác viên, công chức một số Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; đại diện các đơn vị, cơ quan của 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Bình đến Cà Mau. 

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chủ trì Hội nghị

Hội nghị nhằm cung cấp kiến thức tổng quan về giám sát, các kỹ năng cần thiết cho hoạt động giám sát như: Kỹ năng phân tích thông tin, kỹ năng chất vấn, kỹ năng giám sát chuyên đề, kỹ năng tham mưu trong hoạt động giám sát dành cho đội ngũ tham mưu giúp việc trong cơ quan dân cử. Hội nghị lần này được chia thành 2 lớp: một lớp dành cho các đại biểu Quốc hội và đại biểu Thường trực HĐND; và một lớp dành cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc.

Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức 4 Hội nghị bồi dưỡng cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tại Hà Nội (2 hội nghị), Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang với hơn 440 đại biểu tham dự cộng với hơn 170 đại biểu của kỳ bồi dưỡng này tại Cần Thơ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ban Công tác đại biểu đã chủ động chuẩn bị nội dung, mời được các báo cáo viên có chuyên môn sâu, dày dạn kinh nghiệm sẵn sàng trao đổi, đáp ứng yêu cầu của các đại biểu.

Quang cảnh Hội nghị

Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội, HĐND, có đóng góp rất quan trọng đối với chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải có sự nỗ lực, cố gắng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, sở trường, có được trong môi trường công tác của mỗi đại biểu, thường xuyên thực hiện hoạt động giám sát và trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 20.11.2015. Qua 6 năm thực hiện Luật, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; góp phần đưa luật pháp, các nghị quyết của Quốc hội, HĐND đi vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao. Một số trường hợp, chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến vấn đề giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt, nên không ít những vụ việc, vấn đề chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội...

Chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, một số chủ thể chưa thực sự đi sâu, phân tích kỹ lưỡng vấn đề cần giám sát, còn chủ yếu giám sát bằng hình thức nghe báo cáo của bộ, ngành, địa phương. Nhiều đại biểu mới trúng cử, hoạt động trong môi trường mới, trong khi hoạt động giám sát vừa có phạm vi rộng, vừa đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu nên các đại biểu cần phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thông tin với các đại biểu về những đổi mới tại các kỳ họp của Quốc hội Khóa XV; trong đó có những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, thực hiện thành công các đợt họp trực tuyến, bao gồm cả việc chia tổ thảo luận và áp dụng biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử. Công tác dân nguyện trước đây chỉ báo cáo tại kỳ họp của Quốc hội mỗi năm hai lần, nhưng hiện nay đã được báo cáo hàng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan khối nội chính, tạo ra chuyển biến rất tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác giám sát không chỉ tập trung vào khâu thực thi pháp luật mà còn tập trung cả vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dâng hương tại Đền thờ vua Hùng tại phường Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ vua Hùng tại phường Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trồng cây lưu niệm tại Đền thờ vua Hùng tại phường Bình Thủy, TP. Cần Thơ.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo TP Cần Thơ

Vũ Châu - Báo Đại biểu Nhân dân