QUY ĐỊNH VỀ CUNG CẤP DỊCH VỤ SẢN XUẤT PHIM CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI: NGHIÊN CỨU LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN PHÙ HỢP

04/04/2022

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, liên quan đến quy định về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị chỉ cần cung cấp kịch bản tóm tắt và chi tiết phần quay ở Việt Nam là đủ. Tuy nhiên, giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại nêu vấn đề: nếu không nắm kịch bản tổng thể mà chỉ chấp nhận phân khúc ở Việt Nam thì sau này liên quan vấn đề an ninh chính trị, quốc phòng, an ninh, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, so với dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới. Đối với những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi thuyết minh trình dự án Luật, đến nay dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm đáp ứng theo mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu về thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Liên quan đến quy định về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, có ý kiến đề nghị không yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim hoặc chỉ cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam.

Thường trực Ủy ban xin tiếp thu, quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ. Tuy nhiên Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, yêu cầu thẩm định kịch bản đầy đủ. Do đó, trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 phương án: Phương án 1: Quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam; Phương án 2: Quy định yêu cầu kịch bản đầy đủ.

Đồng tình phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện ảnh lần này có mục đích tháo gỡ khó khăn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của điện ảnh trong những năm qua và tạo những cơ chế, chính sách cho điện ảnh Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã nêu rõ "việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy điện ảnh phát triển, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan". Vì vậy, dự thảo luật đã quy định tại Điều 41 về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam. Nhưng, nếu ngay khâu đầu tiên tiếp cận với dịch vụ sản xuất phim, các tổ chức, cá nhân làm phim nước ngoài sẽ vấp ngay rào cản là phải cung cấp kịch bản phim đầy đủ, dẫn đến việc họ sẽ không mặn mà với việc sử dụng dịch vụ. Lý do là kịch bản phim đầy đủ sẽ liên quan đến vấn đề bản quyền, đến ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, trong sản xuất tác phẩm nghệ thuật nhiều khi phải giữ bí mật, tránh bị sao chép ý tưởng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham dự trực tuyến từ điểm cầu Hải Dương

Đại biểu nhấn mạnh, một bộ phim sẽ được coi là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh khi ra mắt khán giả. Sẽ ra sao nếu như phim chưa ra mắt khán giả mà ý tưởng kịch bản đã bị đánh cắp hay bị sao chép. Với các dịch vụ sản xuất phim, theo đại biểu chỉ cần cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam là đủ, để quyết định có cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho các tổ chức, cá nhân làm phim nước ngoài hay không.

“Mặt khác, làm phim cũng là một quá trình sáng tạo nghệ thuật, một kịch bản chi tiết có sẵn thì nó chỉ đóng vai trò là khung ban đầu, tùy vào tình hình thực tế trong quá trình làm phim đạo diễn có thể thay đổi kịch bản, có thể thêm bớt, không hoàn toàn theo kịch bản có sẵn, nên việc thẩm định kịch bản chi tiết cũng không có nhiều ý nghĩa trong trường hợp này.”, đại biểu Trần Thị Việt Nga cho biết thêm.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ không nhất trí với lý giải của cơ quan soạn thảo là yêu cầu thẩm định kịch bản đầy đủ vì lý do quản lý toàn bộ nội dung phim. Trong khi chúng ta đang nói về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thế sao lại có chuyện quản lý toàn bộ nội dung phim của họ ở đây.

“Với vai trò cung cấp dịch vụ, chúng ta chỉ xem xét tổng thể phim đó, cảnh quay đó tại Việt Nam có phù hợp không để đồng ý hoặc không đồng ý cung cấp dịch vụ. Nếu không tiếp cận dịch vụ sản xuất phim đã rất khó khăn theo hướng yêu cầu tổ chức, cá nhân làm phim nước ngoài phải cung cấp toàn bộ kịch bản phim đầy đủ thì những chế độ ưu đãi chúng ta đưa ra ở Điều 41 là hoàn toàn không có ý nghĩa gì.”, đại biểu lưu ý.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu từ điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng nhiều quy định tại dự thảo với các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm phim còn quá chặt chẽ, chỉ cần họ không vi phạm điều 9 về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh là đủ.

Nhìn rộng ra các quy định khác, đại biểu cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước còn ôm quá nhiều, nên buông bớt để đạt mục tiêu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất với phương án 1 là chỉ cần cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt nhằm hạn chế các thủ tục hành chính, sẽ tạo động lực để thúc đẩy các nhà làm phim vào quay phim tại nước ta, góp phần đưa hình ảnh đất nước ta ra với quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch và các dịch vụ phụ trợ về phim, qua đó phát triển công nghiệp điện ảnh theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu từ điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Tuy nhiên, tại khoản 3 điểm b dự thảo quy định: "Trường hợp kịch bản phải sửa đổi nội dung do vi phạm Điều 9 của luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam hoặc hồ sơ xin cấp phép phải sửa đổi, bổ sung thông tin trong 30 ngày kể từ ngày nhận được kịch bản đã sửa nội dung hoặc hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ thông tin theo yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì thực hiện cấp giấy phép". Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ quy định này. Quy định như dự thảo thì để hoàn thiện một hồ sơ, nếu có chỉnh sửa kịch bản phải mất đến 60 ngày, tức là mất đến 2 tháng mới cấp được giấy phép là quá dài. Điều này có thể gây khó khăn và làm nản lòng các nhà làm phim khi xin giấy phép quay tại Việt Nam.

“Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rút ngắn lại thời gian đối với trường hợp hồ sơ xin cấp phép phải sửa đổi, bổ sung thông tin hoặc kịch bản xuống còn 15 ngày để bảo đảm giảm bớt thời gian chờ đợi của các nhà làm phim.”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình

Phát biểu giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vẫn khẳng định mong muốn kịch bản đầy đủ phải được trình duyệt như phương án của cơ quan soạn thảo, vì qua nghiên cứu điện ảnh Trung Quốc, điện ảnh Thái Lan đều bắt buộc trình kịch bản hoàn chỉnh.

"Chúng tôi đang băn khoăn, thực tiễn gần đây nhất là bộ phim "Đồng cảm" do người Mỹ sản xuất, phần quay ở Việt Nam với hình ảnh nhân vật tham gia cuộc chiến, thời điểm đó, bối cảnh đó hoàn toàn đúng, không sai. Nhưng khi sang Mỹ công việc khác, bối cảnh khác thì họ nói chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh phi nghĩa, nên Việt Nam không cho phép phát hành phim này ở Việt Nam" – Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ, nếu chúng ta không nắm kịch bản tổng thể mà chỉ chấp nhận phân khúc ở Việt Nam thì sau này liên quan vấn đề an ninh chính trị, quốc phòng, an ninh, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết thêm, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, nhưng rõ ràng thực tế nếu chỉ riêng phân cảnh quay ở Việt Nam không có gì sai song sang đất nước khác quay thì nội dung có khi lại không ổn./.

Lê Anh