ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ, TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

13/07/2022

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong các quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đều có các quy định về việc tiết kiệm năng lượng; Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm tối đa việc sử dụng năng lượng.

 

 

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Báo cáo với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn một số tồn tại: Việc ban hành một số thông tư quản lý tài chính thực hiện chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia còn chậm, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, triển khai thực hiện Chương trình; Các quy định về thủ tục thanh, quyết toán kinh phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn phức tạp; Các quy định về định mức chi phân bổ, xây dựng dự toán kinh phí chưa thực sự phù hợp, chưa theo kịp bối cảnh phát triển kinh tế của đất nước (ví dụ: vấn đề về định mức ngày công, vấn đề căn cứ xác định số lượng ngày công, dự toán kinh phí có độ lệch so với thực tế tại thời điểm triển khai do quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ kéo dài…).

Bên cạnh đó phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chưa được áp dụng rộng rãi do một số quy định chưa phù hợp, đồng thời thiếu các quy định cụ thể có liên quan (ví dụ: thiếu các định mức kinh tế kỹ thuật, các quy định về điều chỉnh các nội dung của nhiệm vụ khoa học và công nghệ áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng còn hạn chế,…).

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay dù đã đổi mới nhưng chưa thực sự triệt để, chưa phù hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sảng tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học khi vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc: Khó khăn trong xác định ngày công khi thẩm định nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ, thiếu cơ sở xác định trong lĩnh vực khoa học xã hội và chưa theo học hàm học vị mà chỉ theo chức danh tham gia thực hiện, định mức ngày công đối với các thành viên tham gia còn thấp, chưa đủ để khích lệ nhà khoa học tham gia nghiên cứu, việc sử dụng hệ số nhân với mức lương cơ sở còn thấp và sẽ không phù hợp với đề án tiền lương mới theo chức danh và vị trí việc làm đang hướng tới, chưa có quy định tiêu chí để xác định số lượng thành viên và thời gian tham gia; Hệ số tiền công thấp và thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm khiến mức tiền công nghiên cứu Khoa học và Công nghệ quá thấp, không đủ đảm bảo thu nhập và chưa phải mức đãi ngộ xứng đáng với chất xám và công sức của nhà khoa học.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Thêm vào đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng nêu rõ, định mức của hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ thấp tuy nhiên vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghiên cứu, ra đầu bài cho nhiệm vụ; Chưa có định mức tiền công thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài nên khó khăn trong việc thương thảo hợp đồng khoán việc hay chọn chuyên gia phù hợp với mức kinh phí hội đồng sẽ chấp thuận; Nhiều nhiệm vụ cần có tổ chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ để cung cấp thông tin cho hội đồng thẩm định, đánh giá nhiệm vụ nhưng chưa có nội dung, định mức chi; Chưa có quy định trả thù lao bổ sung cho hoạt động điều phối quản lý chương trình Khoa học và Công nghệ của các đơn vị quản lý; Thực tế việc dự toán công lao động theo các chức danh nhưng khi thanh quyết toán lại là khoán chi nên cần quy định rõ hồ sơ thanh quyết toán để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau: có cần bảng chấm công hay không, ký hợp đồng giao việc và chuyển tiền cho từng người hay cho đầu mối chịu trách nhiệm chính.

Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong quá trình triển khai cũng còn tồn tại nhiều vấn đề cần sửa đổi để có thể sử dụng hiệu quả, đúng mục đích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN, nhưng còn một số vấn đề vướng mắc từ Luật, Nghị định và những nội dung không thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Tài chính; không thuộc thẩm quyền hướng dẫn, thảo gỡ vướng mắc tại Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN của Bộ KHCN.

Về văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 01 Thông tư quy định về giải pháp tiết kiệm nước “Thông tư số 12/2019/TT-BKHCN ngày 15/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí xác định sản phẩm, thiết bị sử dụng nước tiết kiệm”. Ngoài ra, trong các quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị trực thuộc đều có các quy định về việc tiết kiệm năng lượng; đã xây dựng kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ban hành các chỉ thị, quy định, thông báo, hướng dẫn để tiết kiệm tối đa việc sử dụng năng lượng.

Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ cũng tuyên truyền để nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của tập thể cán bộ, công nhân viên chức trong đơn vị qua các hoạt động thường nhật, cụ thể như: Tiết kiệm trong sử dụng điện: Tắt các thiết bị sử dụng điện không cần thiết, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hợp lý, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Sử dụng điều hòa khi thật cần thiết, để chế độ làm mát không thấp hơn 260C; Đối với sử dụng điện thoại: Chỉ sử dụng điện thoại cho việc công, tiết kiệm thời gian, khoán kinh phí sử dụng điện thoại; Đối với văn phòng phẩm: Sử dụng tin học hóa trong xử lý văn bản đi, đến, hạn chế sử dụng giấy tờ không cần thiết; sử dụng lại giấy 1 mặt…; Sử dụng nhiên liệu cho xe ô tô: Xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu cho từng đầu xe, thanh toán chi phí tiêu hao nhiên liệu theo đúng định mức quy định. Tăng cường sử dụng xe ô tô chung khi đi công tác;

Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ cũng đã thực hiện chi công tác phí đúng quy định, tiết kiệm: kết hợp các cuộc công tác, cử cán bộ đi công tác đúng chuyên môn; Việc trang bị máy vi tính và các thiết bị văn phòng khác theo đúng tiêu chuẩn, định mức, có hiệu quả, đáp ứng công việc được giao. Việc mua sắm thực hiện đúng theo các quy định hiện hành của Nhà nước;  Không tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp không cần thiết; Thực hiện kết hợp các hội thảo có cùng địa điểm, thành phần tham dự; Tăng cường họp trực tuyến; Thành phần tham dự phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Hồ Hương