TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN, THỐNG NHẤT VỀ KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

13/07/2022

Đưa ra khuyến nghị đối với Lào về ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý tiền tệ, ngoại hối tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng, Lào cần tạo sự đồng thuận, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị về kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời thực hiện các giải pháp cải cách kinh tế, thúc đẩy sản xuất trong nước.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sommad Pholsena đồng chủ trì Hội thảo

Năm 2022 đánh dấu 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962-05/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2022), đây cũng là năm được hai nước thống nhất lựa chọn là Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào. Mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa hai nước được thể hiện trên nhiều phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Từ nhiều năm qua, ngân hàng trung ương hai nước đã thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả. Định kỳ hàng năm, ngân hàng trung ương hai nước tổ chức Hội nghị song phương ở cấp Thống đốc để chia sẻ kinh nghiệm về điều hành chính sách tiền tệ, quản lý, giám sát khu vực ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như định hướng kế hoạch của hai ngân hàng trung ương trong thời gian tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát để hỗ trợ chống chịu với các tác động tiêu cực của đại dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Chia sẻ kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối của Việt Nam tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, nhiều năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn kiên định, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhờ đó, nền tảng kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp. Các cân đối vĩ mô được giữ vững cùng quá trình củng cố ngân sách nhà nước, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài.

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào

Về cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng phù hợp, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, chủ động kiểm soát tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Giai đoạn 2020-2022, để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai các chương trình tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động. Nhờ đó, hàng trăm nghìn người lao động phải ngừng việc trong đại dịch vẫn được trả lương, góp phần thực hiện chính sách an sinh, xã hội, giúp doanh nghiệp duy trì lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính–tiền tệ và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Lãi suất là một trong những công cụ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả nhằm kiềm chế lạm phát và giải quyết tình trạng căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát tín dụng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát đồng thời đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện vĩ mô và thị trường, đảm bảo củng cố vị thế VND, neo giữ kỳ vọng và ổn định lạm phát; đồng thời đẩy mạnh truyền thông để ổn định kỳ vọng lạm phát. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước được đổi mới toàn diện về tư duy lẫn hành động, là công cụ truyền tải hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp điều hành tiền tệ, ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chủ động cung cấp kịp thời thông tin về các giải pháp điều hành và kết quả hoạt động ngân hàng bằng nhiều hình thức phong phú, dễ tiếp cận nhằm dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà

Đưa ra một số khuyến nghị về ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý tiền tệ, ngoại hối đối với Lào dựa trên kinh nghiệm của Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng bên cạnh các giải pháp cấp bách, xử lý tình huống trước mắt cần có giải pháp căn cơ, lâu dài, kiên định nhằm nâng cao tính hấp dẫn của đồng Kíp Lào; đồng thời, thực hiện các giải pháp cải cách kinh tế, thúc đẩy sản xuất trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô trong trung - dài hạn nhằm tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Lào cần nhanh chóng chuyển hướng chính sách tiền tệ để ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát; siết chặt dần các quy định về quản lý ngoại hối, cho vay ngoại tệ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ về các quy định về quản lý ngoại hối, tăng tính răn đe đối với các vi phạm và tăng cường kỷ luật tài khóa.

Ngoài ra, về giải pháp trung hạn và dài hạn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà khuyến nghị Lào cần cần tạo sự đồng thuận, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị về kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ và ngân hàng trung ương trong việc thực hiện mục tiêu nêu trên. Đồng thời, Lào cần triển khai đồng bộ các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế như khuyến khích tái đầu tư FDI bằng các giải pháp khuyến khích, ưu đãi ổn định; củng cố tài khóa, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, phát triển thị trường vốn trong nước để giảm tải áp lực vốn trung – dài hạn lên hệ thống ngân hàng; cải cách kinh tế, phát triển, đa dạng hóa các ngành sản xuất, chế biến chế tạo; phát triển doanh nghiệp trong nước; đảm bảo ổn định lạm phát và nâng cao chất lượng công tác thống kê./.

Minh Thành