CẦN BẢO ĐẢM ĐÚNG THỜI HẠN VÀ GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

13/07/2022

Đánh giá về tình hình phát sinh khiếu nại, tố cáo tại tỉnh Lào Cai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, Tổ trưởng Tổ Công tác, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Lê Anh Tuấn cho rằng tỉnh Lào Cai cần bảo đảm đúng thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm từ sớm, tránh kéo dài thời gian gây phản ứng tiêu cực cho người dân.

Làm rõ hiệu quả thí điểm mô hình Thanh tra cấp huyện tiếp công dân

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, giai đoạn này là một nhiệm kỳ của Quốc hội với nhiều diễn biến phát triển quan trọng của đất nước; các năm cuối nhiệm kỳ của đất nước có nhiều sự kiện trọng đại diễn ra, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, diễn biến phức tạp để lại nhiều hậu quả cho mọi mặt đời sống, do vậy tình hình đơn thư khiếu kiện, đề nghị, phản ánh cũng diễn tăng, giảm thất thường. Tuy nhiên, về tổng thể số lượt tiếp công dân, số lượng đơn thư tiếp nhận và xử lý tương đương với số liệu cùng kỳ các năm trước. Nội dung tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vẫn tập trung chủ yếu và lĩnh vực đất đai và bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, sắp xếp cải tạo chợ truyền thống,…Hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo tiếp tục đước các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh qua đó giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường

Chia sẻ về nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho rằng, nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật, chế độ chính sách còn một số tồn tại, chưa đồng bộ, đầy đủ, hay thay đổi và có những bất cập nhất định làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và khó khăn trong các tình huống quản lý. Việc quản lý đất đai có những tồn tại, hạn chế trong một thời gian dài nên các vụ việc khiếu kiện về đất đai do lịch sử để lại rất khó giải quyết. Một số vụ việc xảy ra đã lâu không có đủ hồ sơ, tài liệu làm căn cứ chứng minh, kết luận rõ bản chất sự việc. Một số vụ việc khó, phức tạp phải xin ý kiến của nhiều cấp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết làm công dân bức xúc.

Bên cạnh đó, pháp luật chưa có chế tài cụ thể để xử lý đối với các trường hợp công dân khiếu nại, tố cáo đã được các cấp giải quyết đúng thẩm quyền nhưng cố tình khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự, tạo áp lực với cơ quan nhà nước. Yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đặt ra vừa phải giải quyết đúng chính sách pháp luật, vừa phải có tính khả thi đáp ứng cho ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nên có khó khăn trong xử lý nhiều vụ việc. Bên cạnh đó, một số vụ việc phức tạp, phải lựa chọn giữa các phương án xử lý đảm bảo thấu tình, đạt lý, nên có ảnh hưởng nhiều đến thời gian giải quyết vụ việc. Có vụ việc cơ quan hành chính đã giải quyết hết thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của Tòa án; cơ quan hành chính đã hướng dẫn công dân khởi kiện ra Tòa để được giải quyết nhưng công dân không khởi kiện mà đeo bám khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan hành chính.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, Tổ trưởng Tổ Công tác, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Lê Anh Tuấn

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, nguyên nhân chủ quan dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo là do công tác quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực, tại một số nơi, trong một số thời điểm vẫn còn tồn tại, bất cập, hạn chế; việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của một số cán bộ, công chức chưa thực sự minh bạch, trách nhiệm làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên dẫn đến tồn đọng một số vụ việc, gây bức xúc cho nhân dân.  Trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế so với yêu cầu đặt ra; thường xuyên bị thay đổi.

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, Tổ trưởng Tổ Công tác, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Lê Anh Tuấn cho rằng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần quan tâm hơn nữa đến công tác hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục nhân dân. Đặc biệt cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác này để giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo góp phần giảm áp lực cho cơ quan nhà nước. Đồng thời cần bảo đảm đúng thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm từ sớm, tránh kéo dài thời gian gây phản ứng tiêu cực cho người dân./.

Minh Thành