KHẨN TRƯƠNG, TÍCH CỰC HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CAO NHẤT TRƯỚC KHI TRÌNH QUỐC HỘI

21/09/2022

Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra khẩn trương, quyết liệt tiến hành rà soát, hoàn chỉnh dự luật đảm bảo yêu cầu, chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.

Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9: UBTVQH cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 01 điều và bổ sung 14 điều.

Nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cân nhắc việc xem xét dự án Luật này theo quy trình 03 kỳ họp.          

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại hơn 50 điều khác của dự thảo Luật với 22 nhóm nội dung; rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về từ ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp….

Bổ sung đánh giá tác động đối với chính sách mới

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là dự án luật được cử tri, Nhân dân, ngành Y tế đặc biệt quan tâm, trông chờ. Tuy nhiên, qua các lần xin ý kiến, đặc biệt thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, hiên nay dự thảo luật vẫn còn một số nội dung còn quan điểm khác nhau.

Vì vậy, để cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo có thêm cơ sở, căn cứ tiếp thu, hoàn thiện dự luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến trực tiếp vào các nội dung như: Bố cục của dự thảo Luật, quy định thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị nghiêm cấm;…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, trong quá trình thảo luận, đại diện Bộ Y tế cũng như các bộ, ngành có liên quan, phát biểu làm rõ một số nội dung còn quan điểm khác nhau.

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến đều ghi nhận và đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.

Góp ý vào nội dung cụ thể của dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung nhưng chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng; Hội đồng Y khoa quốc gia; hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; thẩm quyền cấp phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề.…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhấn manh, mặc dù trong dự thảo luật lần này tại Điều 109 đã bổ sung quy định về các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo khả thi, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các biện pháp đảm bảo cho phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

Nêu quan điểm tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần cân nhắc quy định về sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh. Việc quy định như tại dự thảo sẽ hạn chế thu hút bác sĩ giỏi đến khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Cho rằng, hiện nay có nhiều phòng khám bác sĩ người nước ngoài vẫn chữa bệnh tốt thông qua người phiên dịch, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, nếu còn ý kiến khác nhau cần lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Quy định rõ loại hình "y học gia đình" trong công tác khám bệnh, chữa bệnh

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường 

Đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện dự luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ, Hội trường cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được nghiên cứu, tiếp thu trong dự thảo luật.

Nhấn mạnh, việc ban hành sớm dự luật có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác khám, chữa bệnh, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc ghi trong dự thảo luật ngày 1/1/2024 có hiệu lực là để cho các cơ quan đủ thời gian chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc thêm, nguyện vọng của các y bác sỹ rất mong muốn luật được ban hành và có hiệu lực sớm. Do đó, có thể xem xét về thời gian có hiệu lực sớm hơn. “Cân nhắc ngày 1/7/2023 có thể có hiệu lực thi hành được không? Để luật sớm đi vòa cuộc sống bởi sau khi thông qua tại Kỳ họp thứ 4, vẫn có 1 khoảng thời gian trước khi luật có hiệu lực để ban hành văn bản hướng dẫn ,..”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu quan điểm.

Liên quan đến quy định về y học gia đình được quy định tại Điều 77 của dự thảo luật, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung 01 điều về y học gia đình quy định nhiệm vụ, hình thức tổ chức của cơ sở y học gia đình và bổ sung giải thích từ ngữ tại khoản 30 Điều 2. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa thể hiện vai trò của loại hình này trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, chưa đầy đủ nội hàm về một ngành y học và nội dung nhiệm vụ của cơ sở y học gia đình.

Vì vậy, đối với nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cần tiếp tục quy định rõ hơn, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay và phát huy được vai trò của y học gia đình (rõ quyền/trách nhiệm, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, xử lý rủi ro,…); cân nhắc dùng thuật ngữ “y hoc gia đình “hay “bác sỹ gia đình”, …

Ban hành sớm nhưng phải đảm bảo chất lượng, kỹ lưỡng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giảm trình. Theo Phó Chủ tịch, ngành y tế nhiều đóng góp, hy sinh trong công cuộc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân,… việc ban hành sớm Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng hiệu quả,…

Nhấn mạnh tính cấp thiết, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, ban hành sớm nhưng không vội vàng, vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay,… Do đó, đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế dành thời gian, huy động lực lượng chuyên gia, cán bộ, cùng với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thảo luận, nếu đủ điều kiện để thông qua sớm được là tốt nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ thống nhất với thời hạn có hiệu lực do Chính phủ trình là 1/1/2004 để có thời gian cho công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, công tác tuyên truyền/phổ biến pháp luật,.... Đồng thời, lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra nghiên cứu, làm rõ thêm một số nội dung quy định tại dự thảo luật về: vấn đề tài chính y tế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công;…

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung làm việc

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận UBTVQH góp ý nhiều nội dung của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhất là về thời điểm thông qua dự án luật và các vấn đề về chính sách của Nhà nước, tài chính y tế, xã hội hóa y tế, quy định hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh chữa bệnh, hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,…

Trong quá trình thảo luận, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt Bộ Y tế (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã có báo cáo giải trình thêm về một số vấn đề UBTVQH quan tâm. Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng khẳng định sẽ nghiên cứu và tiếp thu toàn bộ ý kiến của UBTVQH tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, UBTVQH ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo luật chưa được thống nhất, chưa được quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung vào luật nhưng chưa được đánh giá tác động đầy đủ,… 

Khẳng định đây là dự án luật có tính chất “xương sống” của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, dự án luật được Nhân dân, ngành y tế mong đợi tuy nhiên ban hành sớm nhưng không vội vàng, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng, luật ban hành phải có "tuổi thọ",… Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động phối hợp với Ủy ban Pháp luật rà soát các luật có liên quan đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với tinh thần cao nhất, tích cực chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xin ý kiến Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 quyết định thông qua, luật phải được triển khai từ ngày 01/01/2024.

Một số hình ảnh tại Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường 

Đại diện các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động phối hợp với Ủy ban Pháp luật rà soát các luật có liên quan đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với tinh thần cao nhất, tích cực chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xin ý kiến Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 quyết định thông qua, luật phải được triển khai từ ngày 01/01/2024.

Lê Anh - Phạm Thắng

Các bài viết khác