LUẬT SƯ TRẦN SỸ TIẾN: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN CHÚ TRỌNG GIẢI QUYẾT CÁC VƯỚNG MẮC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

06/10/2022

Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Đóng góp ý kiến về dự án luật này, Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT cho rằng, việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng đến việc giải quyết các vướng mắc trong đơn giản hóa thủ tục hành chính để hoàn thiện Luật cũng như hạn chế những bất cập đã bộc lộ trong gần 10 năm qua

LUẬT SƯ DIỆP NĂNG BÌNH: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN BẢO ĐẢM TỐT NHẤT QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN

XÂY DỰNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN LẤY Ý KIẾN RỘNG RÃI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH ĐẤT ĐAI

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Phóng viên: Theo chương trình lập pháp, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Luật sư có đánh giá như nào sau gần 10 năm triển khai thực hiện?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Sau gần 10 năm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, công tác quản lý đất đai tại Việt Nam đã đạt những ưu việt nhất định, đây chính là căn bản pháp lý cho việc khai thác, sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả đất đai phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định quốc phòng, an ninh của đất nước.

Về mặt tích cực, Luật Đất đai 2013 đã giải quyết những hạn chế, bất cập trong việc giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng, lãng phí đất. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Hệ thống hồ sơ địa chính dạng số đồng bộ giữa bản đồ địa chính với thông tin đăng ký, cấp giấy chứng nhận và nhiều thông tin khác đã được số hóa hợp lý. Luật đất đai năm 2013 đã mở rộng hơn quyền tiếp cận thông tin và giao dịch đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, đây cũng là một điểm tốt khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, tôi cho rằng không khó để nhận thấy Luật Đất đai 2013 cũng có một số hạn chế nhất định. Theo đó, tuy thủ tục hành chính giải quyết cho người dân đã được giảm bớt một số khâu, một số bước nhưng quá trình xử lý hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính vẫn còn kéo dài; một số giấy tờ yêu cầu người dân cung cấp không thật sự cần thiết, đặc biệt là các thủ tục về đăng ký đất đai do nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… Cùng với đó, người dân cần được công khai thông tin về việc giao đất, cho thuê đất hay giá đất từ phía cơ quan nhà nước nhưng trong luật chưa thỏa mãn điều này, từ đó dẫn đến nguy cơ phát sinh tham nhũng khi người dân không được biết, không giám sát được.

Phóng viên: Từ những mặt tích cực và bất cập đã chỉ ra, qua nghiên cứu, Luật sư quan tâm đến vấn đề nào của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Qua nghiên cứu, Điều 98 Luật đất đai 2013 về Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có đề cập đến vấn đề các cá nhân cùng “đồng sử dụng” trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nguyên tắc cấp và ai là người được ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu, sử dụng đất. Điều 120 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Việc xác định các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất để ghi tên trên giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Như vậy đây là một điểm mới tôi thấy đã khắc phục được điểm hạn chế của Luật đất đai năm 2013. Điều này sẽ góp phần hạn chế được những bất cập trong việc xử lý tranh chấp quyền sử dụng đất, người dân cũng dễ hiểu được những nội dung mà quy định của pháp luật đất đai muốn truyền tải, hạn chế những sai sót, tranh chấp không đáng có.

Phóng viên: Một số chuyên gia chỉ ra rằng, Chương II dự thảo Luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 09/2022 quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân với đất đai có tất cả 18 Điều nhưng lại dành 16 Điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước và chỉ có 02 Điều về quyền và nghĩa vụ của công dân, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Điều 4 Luật đất đai năm 2013 đã có quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều này đã góp phần thể hiện rõ quan điểm, đường lối và tư tưởng của nhà nước dưới chế độ “dân chủ”, lấy dân làm gốc; chế độ sở hữu, quyền và nghĩa vụ của người dân Nội dung này cũng được thể hiện rất rõ tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013.

Tại chương II dự thảo Luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 09/2022 quy định về "Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững" và làm rõ nội hàm "đất đai thuộc sở hữu toàn dân"… Tuy nhiên, những nội dung này cũng đã được quy định cụ thể tại Luật đất đai 2013 và Hiến pháp năm 2013 nêu trên.

Tôi cho rằng, Chương II dự thảo luật cần bổ sung và làm rõ thêm quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin, minh bạch thông tin, quyền được trả lời và xử lý các thủ tục hành chính đúng hạn; quyền được khiếu nại, tố cáo, các trường hợp khiếu nại, tố cáo, phương thức và thời gian, cơ quan tiếp nhận… như vậy sẽ nâng cao được quyền của người dân xuyên suốt quá trình sử dụng đất và thực hiện các thủ tục về quyền sử dụng đất trong thực tế.

Phóng viên: Để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại lần sửa đổi này, theo Luật sư đâu là những nội dung trọng tâm cần chú trọng?

Luật sư Trần Sỹ Tiến – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT: Luật Đất đai là bộ luật có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, mỗi một nội dung, điều khoản nếu có sự thay đổi, cập nhật thì đều sẽ tác động trực tiếp đến tình hình chung của xã hội cũng như các đạo luật chuyên ngành khác. Việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) dựa trên chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW sẽ mở ra một cánh cửa mới, là kim chỉ nam quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai để đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội.

Để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như hạn chế những bất cập đã bộc lộ trong gần 10 năm qua, việc sửa đổi Luật lần này cần chú trọng đến việc giải quyết các vướng mắc trong việc giải quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cụ thể là các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chuẩn chỉnh hơn về thời hạn xử lý hồ sơ cấp đất; thủ tục khiếu nại, giải quyết tranh chấp về đất đai… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất, tăng khả năng tiếp cận đất cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư về đất cũng như tạo đà phát triển kinh tế xã hội. Qua đó tạo điều kiện để người dân tiếp cận, am hiểu, nâng cao chất lượng cuộc sống và được bảo vệ bởi hành lang pháp lý vững chắc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Vũ Hà - Minh Thành

Các bài viết khác