TỔNG THUẬT CHIỀU 20/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC NGHE BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NSNN 2022, DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật này, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, phát triển hợp tác xã là một yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định của đất nước, xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội.
Theo đó, các chuyên gia kiến nghị cần nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò của hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hợp tác xã kiểu mới. Tăng cường công tác nghiên cứu, làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hợp tác xã, cần tăng cường giới thiệu các mô hình hợp tác xã kiểu mới, kinh nghiệm của phong trào hợp tác xã trong khu vực và trên thế giới.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đặc biệt là chính sách về cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính - tín dụng, khoa học - công nghệ và thị trường. Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đối tượng thành viên là những nông dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã. Tập trung hỗ trợ tài chính từ các nguồn, lồng ghép với chính sách thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hình thành một số mô hình điểm ở các tỉnh nông nghiệp đối với hai loại hình hợp tác xã là hợp tác xã dịch vụ công ở nông thôn và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên các giải pháp thiết thực hỗ trợ các hợp tác xã về khoa học - công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, thị trường... để triển khai theo “mô hình thí điểm”; giao trách nhiệm chỉ đạo cho người đứng đầu cấp huyện; tận dụng các cơ hội cũng như có các giải pháp hạn chế các mặt tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế.
Các đại biểu tham dự Kỳ họp
Tham gia ý kiến, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy quản lý nhà nước đối với hợp tác xã theo luật định, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương trong phát triển hợp tác xã. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về hợp tác xã.
Các đại biểu cũng nêu rõ yêu cầu xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên, hợp tác xã và cộng đồng. Chú trọng xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp ở các vùng có các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành, phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã ở các địa phương với các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa khác nhau nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế của địa phương. Xây dựng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Trên cơ sở đó tổng kết, tuyên truyền phổ biến và nhân rộng nhiều loại hình hợp tác xã kiểu mới.
Mong đợi nội dung về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân hy vọng việc sửa đổi Luật sẽ góp phần tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã, phát huy vai trò làm chủ của thành viên; vận động thành viên hợp tác xã góp vốn và nâng mức vốn góp; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của hợp tác xã. Kiên quyết giải thể các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, hoạt động mang tính hình thức.
Thêm vào đó, các chuyên gia nhấn mạnh tăng cường năng lực tổ chức, điều hành hoạt động kinh doanh của ban quản trị và người quản lý hợp tác xã. Đồng thời, quan tâm đến việc thường xuyên nâng cao trình độ tay nghề cho thành viên giúp họ nắm được kiến thức, quy trình làm ra những sản phẩm mới theo nhu cầu của thị trường. Kích thích cạnh tranh trong cơ chế thị trường để các hợp tác xã tự vươn lên, có đóng góp tác động tích cực đối với phát triển của kinh tế hộ thành viên.
Ngoài ra, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phát triển hợp tác xã. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội... Củng cố, đổi mới tổ chức hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt chức năng là tổ chức đại diện của hợp tác xã và thực hiện các nhiệm vụ theo luật định./.