SỬA ĐỔI NỘI QUY KỲ HỌP: TĂNG CƯỜNG TÍNH DÂN CHỦ, PHÁP QUYỀN, CHUYÊN NGHIỆP TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

22/10/2022

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đây là nội dung quan trọng của Kỳ họp lần này, nhận được sự quan tâm lớn của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý với hy vọng tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đây là nội dung quan trọng của Kỳ họp lần này, nhận được sự quan tâm lớn của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ quy trình, thủ tục chặt chẽ, cụ thể, khoa học, hợp lý tại kỳ họp, trong khi những quy trình, thủ tục cụ thể liên quan đến kỳ họp đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ dẫn chiếu nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 cũng kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp, nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp, nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Trước đó, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến nội dung quy định về vai trò của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp; về thảo luận, tranh luận, chất vấn tại phiên họp toàn thể. Theo đó, nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định về việc Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể linh hoạt rút ngắn hoặc kéo dài thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, thời gian giải trình của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong một số trường hợp sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội theo quy định tại khoản 4 Điều 18. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc xác định rõ hơn thứ tự ưu tiên áp dụng các biện pháp linh hoạt trong trường hợp thời gian còn lại của phiên họp không đủ để tất cả các đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận. Một số ý kiến đề nghị Chủ tọa ưu tiên xin ý kiến Quốc hội về việc kéo dài thời gian thảo luận của phiên họp (quy định tại điểm c khoản 4 Điều 18), sau đó mới đề nghị rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu Quốc hội xuống không dưới 5 phút (quy định tại điểm a khoản 4 Điều 18) để bảo đảm quyền phát biểu của các đại biểu Quốc hội và sự công bằng trong việc tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Về các quy định liên quan đến thảo luận, tranh luận, đa phần ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành với quy định về thời gian thảo luận, tranh luận tại phiên họp toàn thể như nêu tại khoản 3 Điều 18 của dự thảo Nội quy kỳ họp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi sử dụng quyền tranh luận là phải nêu rõ tranh luận về vấn đề gì, với ý kiến của đại biểu nào đã phát biểu trước đó nhằm hạn chế trường hợp lạm dụng quyền tranh luận để phát biểu ý kiến cá nhân.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, việc ban hành nội quy quy họp nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội, đồng thời để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do luật định, đảm bảo hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, qua đối chiếu với các văn bản có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hợp đồng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Dương Khắc Mai nhận thấy, nhiều nội dung trong nội quy này còn quy định lại những nội dung đã có trong các văn bản nêu trên. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, loại bỏ những nội dung này trong Nội quy kỳ họp, nếu có thì chỉ có thể quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung chưa rõ để dễ triển khai thực hiện.

Góp ý tại hội nghị, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại Chương I, Luật tổ chức Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội từ Điều 4 chưa đến 20, các nội dung này cơ bản được quy định trong nội quy kỳ họp, trong đó bổ sung mới nội dung quyết định các vấn đề kinh tế xã hội được quy định tại Điều 49, 50, 51 dự thảo nghị quyết. Như vậy, nội dung quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội, bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, phê chuẩn các chức danh, bổ nhiệm, miễn nhiệm, tín nhiệm, quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chính quyền, thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định chiến tranh hòa bình… đều được quy định trong dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng có hai vấn đề rất quan quan trọng, chiếm phần lớn thời gian trong mỗi kỳ họp là vấn đề làm luật, sửa đổi luật và giám sát tối cao thì không thấy bóng dáng trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Trong khi đó, tại Điều 49 về hồ sơ trình Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội lại được quy định chi tiết. Theo đại biểu, vấn đề này không liên quan nhiều đến nội quy kỳ họp. đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng Ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung một điều đề cập đến vấn đề về làm luật, sửa đổi luật và hoạt động giám sát, trong đó nêu rõ đã được quy định tại văn bản pháp luật khác để đảm bảo tính toàn diện, bao quát hơn.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Điểm đ khoản 2 Điều 18 quy định đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận. Một số ý kiến cho rằng, việc quy định trách nhiệm giải trình đồng thời của cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra là chưa rõ và chưa thống nhất với quy định tại một số điều khác trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Do đó, để thuận lợi trong triển khai thực hiện, các đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng tại phiên họp toàn thể thảo luận lần đầu về dự án, dự thảo thì cơ quan trình có trách nhiệm giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; tại phiên họp toàn thể thảo luận lần thứ hai trở lên về nội dung đó thì cơ quan được giao chủ trì tiếp thu, chỉnh lý có trách nhiệm giải trình. Thảo luận về chất vấn tại phiên họp toàn thể, các đại biểu cơ bản tán thành với quy định về thời gian chất vấn của đại biểu Quốc hội là không quá 01 phút, trường hợp đại biểu cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể thì thời gian không quá 02 phút; thời gian tranh luận của đại biểu Quốc hội với người bị chất vấn là không quá 02 phút.

Về chương trình của kỳ họp, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản mỗi phiên họp toàn thể của Quốc hội. Thời gian đọc các đề án, tờ trình, báo cáo bố trí thời gian hợp lý để Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua các quyết định bảo đảm để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin, có đủ thời gian để nghiên cứu, nắm chắc các vấn đề khi quyết định; tăng thời lượng thảo luận tại các phiên họp toàn thể, giảm thời lượng thảo luận tổ, nâng cao chất lượng thảo luận tổ; trong thảo luận khi một vấn đề có ý kiến trái chiều, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chủ tọa kỳ họp bố trí thời gian để thảo luận chung trước khi xin ý kiến đại biểu nhằm làm sáng tỏ vấn đề hơn.

Minh Hùng

Các bài viết khác