THIẾU TÁ PHAN HỮU MẠNH: CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ THÔNG QUA ĐẤU GIÁ – MỘT MŨI TÊN TRÚNG HAI ĐÍCH

22/10/2022

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Thiếu tá Phan Hữu Mạnh cho rằng, đây là nội dung rất được dư luận quan tâm, nếu được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng vừa giúp có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân. Một mũi tên trúng hai đích.

CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ THÔNG QUA ĐẤU GIÁ

Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Theo dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá mà Chính phủ trình, việc thí điểm là nhằm tiếp tục thực hiện, thể chế hóa đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Dự thảo Nghị quyết gồm 07 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Dự thảo nghị quyết đưa ra 5 chính sách. Cụ thể, chính sách 1 quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá. Quy định không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe như: biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của Quân đội, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Về chính sách 2, xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá là mức giá thấp nhất, phù hợp với thực tiễn, theo đó xác định công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp đấu giá, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số.

Chính sách 3 quy định, trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó.

Chính sách 4 quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá: Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, trong đó xác định rõ các nhóm quyền và nghĩa vụ đảm bảo các quyền cơ bản cho người trúng đấu giá, đồng thời phải bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người trúng đấu giá sau khi hết thời gian thí điểm.

Chính sách 5 quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá, cụ thể số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương”.

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ông có đánh giá như thế nào về dự thảo Nghị quyết này?

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh: Tôi cho rằng, dự thảo Nghị quyết này ra đời từ căn cứ v nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện nay. Khi xã hội phát triển thì nhu cầu sử dụng biển số ưa thích ngày càng cao và đó là nhu cầu chính đáng. Không những vậy, khi chúng ta thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô thì sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tiếp đến là khi có Luật Tài sản công thì kho số là một tài sản công. Do đó, trách nhiệm quản lý, khai thác tài sản công là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tôi cho rằng hiện vẫn đang vướng một số luật, ví dụ như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu giá tài sản. Vì vậy, cần phải có một văn bản thống nhất để giải quyết những vướng mắc, khó khăn đó.

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh- Trường Sỹ quan Lục quân 1

Tôi cho rằng, đây là nội dung rất được dư luận quan tâm bởi nhu cầu có “biển số đẹp” của người dân là hiện hữu, một số địa phương đã thử nghiệm đấu giá biển số xe nhưng sau đó phải dừng lại vì gặp vướng mắc. Nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua sẽ khơi thông những vướng mắc này, tạo cơ sở triển khai trên thực tế và tổng kết, rút kinh nghiệm để có điều chỉnh phù hợp.

Vừa qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về vấn đề này, nêu rõ những đánh giá, việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao, bởi vậy cần có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.

Phóng viên: Theo phương án mà Chính phủ trình Quốc hội, loại biển số đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị mở rộng sang các biển số nền vàng, biển số xe mô tô. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh: Tôi cho rằng, để triển khai việc đấu giá biển số xe, có một số vấn đề cần được quy định rõ. Trước hết về loại biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá. Nếu quy định đấu giá với tất cả biển số của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xe kinh doanh vận tải và mô tô, xe gắn máy sẽ gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, quy định như dự thảo nghị quyết, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đánh giá là phù hợp với phạm vi thí điểm.

Khi tiến hành thí điểm cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá thì chúng ta phải tính đến sự hiệu quả của nghị quyết. Qua thực tế, tôi thấy những xe của doanh nghiệp tư nhân, cá nhân là đối tượng chính, nhu cầu tập trung vào đối tượng này. Số xe kinh doanh đa phần là được thế chấp ngân hàng và nhu cầu để đấu giá biển số xe cũng không nhiều. Chúng ta nên chọn loại biển số mà người dân có nhu cầu cao nhất để tiến hành đấu giá.

Phóng viên: Về mức giá khởi điểm đấu giá cho biển số ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh đang có sự chênh lệch theo như dự thảo Nghị quyết này, có 2 mức giá khởi điểm của biển số đấu giá là 40 triệu đồng cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 20 triệu đồng cho các địa phương còn lại. Ông đánh giá như thế nào ?

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh: Mức giá khởi điểm của biển số xe ô tô để làm cơ sở đưa ra đấu giá cũng là vấn đề mới và còn nhiều ý kiến khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng, nên có một mức giá chung cho tất cả biển số đưa ra đấu giá. Việc chia ra hai mức giá khởi điểm ở Hà Nội và Hồ Chí Minh khác với mức giá ở các tỉnh khác là chưa có căn cứ, phù hợp. Chúng ta chỉ nên để chung một mức giá cho tất cả để đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Phóng viên: Để dự thảo Nghị quyết thí điểm thuận lợi trong thực tiễn, đảm bảo khả thi. Theo ông cần hoàn thiện thêm những nội dung nào?

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh: Tôi cho rằng, khi triển khai thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá,dư luận cũng rất quan tâm đến quyền lợi của người trúng đấu giá biển số xe. Điều này cũng tác động đến giá trị của biển số xe sau khi đấu giá thành công.

Theo dự thảo nghị quyết, khi chuyển nhượng, cho, tặng xe, người trúng đấu giá được giữ lại biển số và đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Bên cạnh đó, cũng có thể chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế cả xe và biển số, với trường hợp này, biển số sẽ gắn liền với xe, không được tách riêng. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số, đồng thời, tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ô tô được cấp thông qua đấu giá nếu chủ trương này không được tiếp tục thực hiện sau khi hết thời hạn thí điểm.

Tôi cho rằng, lúc chưa đấu giá thì biển số xe là tài sản công, nhưng khi đã đấu giá và thu tiền rồi thì rõ ràng biển số đó không còn là tài sản công nữa. Và khi đó, cần có các quy định rõ về quyền và trách nhiệm của người sở hữu biển số xe đã thắng trong đấu giá. Họ có các quyền luân chuyển, thừa kế, biếu tặng, chuyển nhượng như thế nào, vẫn cần các quy định chi tiết hơn. Nếu sau khi đấu giá xong mà vẫn còn quy định quá nhiều ràng buộc cho người sở hữu biển số xe, sẽ tạo ta rào cản e ngại trong tâm lý. Tôi cho rằng, dự thảo Nghị quyết phải làm rõ, minh bạch vấn đề này…

Nếu dự thảo nghị quyết giải quyết được những vấn đề nói trên, tôi tin rằng khi được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, vừa giúp có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân. Một mũi tên trúng hai đích. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Các bài viết khác