TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 09/5: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 23 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN CÁC BÁO CÁO LIÊN QUAN ĐẾN KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo đó, trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
15h57: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp theo chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.
Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.
15h59: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình
Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2030, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm và cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Đồng thời bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 26 điều. Để nâng cao chất lượng của ĐVHC đô thị, góp phần khắc phục bất cập, hạn chế trong quá trình sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021, dự thảo Nghị quyết quy định một điều riêng về sắp xếp ĐVHC đô thị, trong đó quy định cụ thể các trường hợp sắp xếp ĐVHC đô thị.
Để bảo đảm chất lượng của ĐVHC đô thị và khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC gắn với mở rộng không gian phát triển đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị trong từng giai đoạn sắp xếp. Trong mỗi giai đoạn, tuỳ từng trường hợp mà xem xét điều kiện về sự phù hợp với quy hoạch và các tiêu chí về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị cho phù hợp.
16h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gợi ý một số nội dung thảo luận
Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thực tế hiện nay có một số vấn đề nổi lên cần tập trung thảo luận. Trong đó, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cần được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng do vậy đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị đại biểu cho ý kiến về chất lượng đô thị, quy trình sắp xếp đơn vị hành chính; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
16h35: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật trong việc hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc hệ trọng, liên quan đến tổ chức bộ máy, thành lập, sáp nhập ở cấp xã, cấp huyện. Cần có văn bản báo cáo Đảng Đoàn Quốc hội để có thể xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết.
Về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng đây là vấn đề với nhiều luồng ý kiến khác nhau, nên để chuẩn bị cho kỹ, cho chắc, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thêm để đảm bảo chất lượng cao.
16h38: Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu
Phát biểu ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 – 2030 tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại Khoản 1 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết này đang quy định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định tại Nghị quyết này bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên tại Điều 4 về sắp xếp đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, cấp xã của dự thảo Nghị quyết lại chỉ quy định hình thức “nhập nguyên trạng” và “điều chỉnh”. Do vậy để đảm bảo chặt chẽ, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần phải làm rõ việc “nhập” và “nhập nguyên trạng” có gì khác nhau hay không?
Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc về sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương và đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Ngoài ra, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần cân cách thức sử dụng từ ngữ tại Chương III của dự thảo Nghị quyết để đảm bảo phù hợp với nội hàm tên các Điều tại Chương này.
16h47: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phát huy kết quả, khắc phục hạn chế được chỉ ra qua giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước
Chủ tịch Quốc hội cho biết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ có những nội dung lớn cần phải xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, cấp có thẩm quyền để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, các cơ quan cần lưu ý thực hiện “đúng vai, thuộc bài, đúng quy trình, thủ tục”. Việc các cơ quan tích cực, chủ động phối hợp từ sớm, từ xa là cần thiết nhưng cần bảo đảm mỗi cơ quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải triệt để bám sát thể chế hóa Nghị quyết và Kết luận Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Trong đó, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn để sắp xếp gồm dân số và diện tích để làm căn cứ pháp lý cho tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung sắp xếp đơn vị hành chính đơn thuần là tổ chức lại một cách hợp lý các đơn vị hành chính các cấp huyện, cấp xã cho phù hợp tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số. Không được đưa vào những đề án thành lập mới đơn vị hành chính, nhất là việc thành lập thị trấn, thị xã, thành phố, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn trước, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đã có những đề án thành lập thành phố thuộc tỉnh mà nhập cả một huyện vào, có những tỉnh thành lập một loạt thị xã nhưng thực tế là vỏ đô thị, ruột nông thôn, không có kinh phí, không có quy hoạch, không có kế hoạch để nâng cấp chất lượng đô thị. Đây là những vấn đề đã được chỉ ra trong quá trình giám sát để từ đó phát huy những kết quả tốt, những gì chưa tốt cần tiếp tục hoàn thiện.
Nêu rõ nguyên tắc Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có quyền làm khác các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, trừ khi luật pháp cho phép. Do đó đối với những vấn đề lớn cần xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có tổng hợp để xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, còn những vấn đề lớn khác nếu cần thiết phải báo cáo Bộ Chính trị trước khi ban hành nghị quyết cụ thể.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, báo cáo.
17h09: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 31/01/2023 đã giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; kịp thời xem xét, ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương theo đề nghị của Chính phủ và giám sát việc thực hiện.
Đồng thời, Kết luận cũng giao Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc chỉ đạo Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đạt kết quả tốt.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu, thực hiện đúng chỉ đạo như trong Kết luận của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Nội vụ cần báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, để hoàn thiện hồ sơ, lãnh đạo Chính phủ trình lại Đảng đoàn Quốc hội để xem xét quyết định hoặc xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết.
Về việc sắp xếp đơn vị hành chính đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong việc sáp nhập hai đơn vị hành chính, cũng có phát sinh việc thành lập đơn vị hành chính mới, nên cần theo thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, tuân thủ theo các quy hoạch đã được phê duyệt.