CHẤT LƯỢNG VÀ CÔNG TÁC DUY TRÌ BỀN VỮNG KẾT QUẢ CỦA MỘT SỐ XÃ SAU ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI CÒN HẠN CHẾ

12/09/2023

Đề cập về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, tình hình xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu, gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí; chất lượng và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn nông thôn mới còn hạn chế.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC VỚI CHÍNH PHỦ VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU QUAN TRỌNG

Quang cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ

Chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân

Đề cập về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Chính phủ, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, CTMTQG xây dựng nông thôn mới được Quốc hội thông qua Chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có rất nhiều biến động phức tạp, kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, tình hình xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu, gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quản nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững và đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng.

Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Có 02 tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 ; 08 tiêu chí được đánh giá là gần đạt được mục tiêu.

Hệ thống văn bản thực hiện Chương trình từ Trung ương đến địa phương được ban hành tương đối đầy đủ, có đổi mới, cơ bản phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù, có cách làm hay, mô hình tốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân như các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bến Tre chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng thí điểm mô hình “Xã Thông minh”.

Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn của CTMTQG xây dựng NTM khá thuận lợi, nguyên tắc phân bổ tuân thủ theo đúng Nghị quyết số 25/2021/QH15 và Quyết định số 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã thực hiện cơ bản nghiêm túc việc đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp. Về giải ngân vốn, theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 06/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 88%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 34,3%, cao nhất trong 3 CTMTQG.

Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán Chương trình được thực hiện khá thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm.

Chất lượng và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế

Ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Theo đó, Kết quả xây dựng NTM chưa có chiều sâu, thiếu sự bền vững, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền (nhất là các tỉnh miền núi); vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới cấp thôn, bản còn khó khăn. Chất lượng và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp. Phần lớn các xã khi áp dụng Bộ tiêu chí xã NTM mới giai đoạn 2021-2025 đều bị tụt tiêu chí như tỉnh Thừa Thiên Huế từ 67 xã xuống còn 41 xã đạt chuẩn duy trì đủ 19 tiêu chí, tỉnh Ninh Thuận giảm từ 31 xã xuống còn 12 xã đạt chuẩn duy trì đủ 19 tiêu chí. Một số xã không đảm bảo duy trì các tiêu chí đạt chuẩn, nhất là các xã khó khăn. Một số địa phương nhận định rất khó có thể hoàn thành được mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025.

Hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và địa phương quá nhiều, ban hành chậm, chưa đồng bộ hoặc đến nay vẫn chưa ban hành hướng dẫn; nhiều nội dung phân cấp cho địa phương tự ban hành định mức, mức chi hỗ trợ; một số văn bản phát sinh vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, chưa có cơ chế giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm cho các CTMTQG, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các CTMTQG khó thực hiện; tỷ lệ đối ứng của Chương trình còn cao, nên những địa phương có nhiều xã thụ hưởng vốn đối ứng càng lớn, khó đáp ứng được; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm; khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp không cao; việc huy động nguồn lực người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM rất hạn chế, chủ yếu là từ ngày công lao động và hiến đất làm đường.

Khả năng đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 còn nhiều khó khăn.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do cơ chế, chính sách ban hành chậm và có những điểm chưa phù hợp, đặc biệt là về tiêu chí quá cao và chưa cụ thể vùng, miền. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành một số nơi chưa thực sự sâu sát, còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm. Năng lực, nhận thức của cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở một số địa phương còn hạn chế.

Vướng mắc trong tổ chức thực hiện Chương trình thời gian qua có phần trách nhiệm của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Chương trình; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tổ chức hiện Chương trình.

Kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới, Đoàn giám sát của Quốc hội đề xuất, kiến nghị một số nội dung đối với Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Cụ thể:

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, phân công trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn cụ thể, rà soát các tiêu chí Nông thôn mới để điều chỉnh cho phù hợp vào cuối năm 2023, trong đó có tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận 65 -/KL/TW của Bộ chính trị ngày 30/10/2019.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (i) nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp trong các Bộ tiêu chí NTM để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (hoàn thành trước 31/12/2023); (ii) nghiên cứu ban hành Bộ chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; (iii) xây dựng phần mềm quản lý Chương trình giai đoạn 2021-2025 theo hướng kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống giám sát, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hoàn thành trong Quý I/2024).

Đối với Ủy ban Dân tộc: nghiên cứu, đề xuất quy định cụ thể lộ trình, thời gian tiếp tục hỗ trợ những đơn vị hành chính được sáp nhập; rà soát, đề xuất cơ chế phù hợp áp dụng các xã khu vực III sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 31/12/2023.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: (i) Tiếp tục theo dõi, tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện các CTMTQG, nhất là thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ- CP ngày 24/6/2023; (ii) sửa đổi, thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ; (iii) hoàn thành thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá các CTMTQG theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, hoàn thành trước 31/12/2023./.

Bích Ngọc