TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

25/10/2023

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 25/10/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

DANH SÁCH 44 NGƯỜI ĐƯỢC QUỐC HỘI LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp 

Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi), Quốc hội nghe: Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu; Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn; Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội cập nhật liên tục nội dung chi tiết:

14h52: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Tiếp đến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).

14h53: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 03 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật điều chỉnh 03 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết. 

UBTVQH cũng nhận thấy, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là dịch vụ thực hiện lưu trữ, xử lý dữ liệu; pháp luật một số quốc gia tập trung vào vấn đề bảo vệ dữ liệu; pháp luật Việt Nam quy định tương đối hoàn chỉnh về bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu; vì vậy, quản lý các dịch vụ này ở mức độ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Dịch vụ OTT viễn thông là dịch vụ không có hạ tầng mạng, người sử dụng dễ dàng thay đổi nhà cung cấp, thị trường có khả năng tự điều tiết. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật quy định quản lý dịch vụ này có độ mở, linh hoạt, không cản trở việc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Các quy định trong dự thảo Luật chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Tiếp thu ý kiến xác đáng của ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 03 dịch vụ, cụ thể: Không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam (điểm a khoản 1 Điều 28 và điểm a khoản 1 Điều 29); Quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp 03 dịch vụ, tập trung vào bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống (khoản 1 Điều 28 và khoản 1 Điều 29); Quy định rõ hình thức quản lý là đăng ký, thông báo (điểm b khoản 1 Điều 28, điểm b khoản 1 Điều 29). Đối với việc quản lý hoạt động cung cấp 03 dịch vụ mới qua biên giới đến người sử dụng Việt Nam, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn (khoản 2 Điều 28 và khoản 4 Điều 29)…

Đối với nội dung về viễn thông công ích, UBTVQH thống nhất với phương án Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục duy trì Quỹ nhưng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để Quỹ hoạt động hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung khoản 1 và khoản 4 Điều 30, bỏ các quy định “thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao được bảo đảm từ ngân sách nhà nước” và “kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao được bảo đảm từ ngân sách nhà nước”, bảo đảm đúng tiêu chí của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách quy định tại khoản 19 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, khoản 3 Điều 32 dự thảo Luật được bổ sung, chỉnh lý bảo đảm mục đích sử dụng Quỹ không chồng lấn với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước… 

Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tại điểm b khoản 4 Điều 13 đã bổ sung quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ cho thuê hạ tầng viễn thông; bổ sung quy định hiệp thương giá nếu các bên không thoả thuận được về giá chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (khoản 3 Điều 47); bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (điểm d khoản 1 Điều 67)… 

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá (điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 50); Quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân (điểm c, d khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 50)…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo cụ thể tại điểm i, k, l và m khoản 2 Điều 13, điểm đ và e khoản 2 Điều 15. Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng tại khoản 5 Điều 9.

Ngoài ra, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện văn phong pháp lý, sắp xếp, bố cục lại dự thảo Luật cho hợp lý và logic hơn. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 Chương, 73 Điều.

15h07: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ, tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, tiếp thu đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước về viễn thông, đảm bảo an toàn thông tin, các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, kinh doanh viễn thông, quản lý thị trường viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây, Quỹ viễn thông công ích, công trình viễn thông, quy hoạch đất sử dụng cho công trình viễn thông, quản lý sim rác… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

15h09: Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo bí mật thông tin

Cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật cơ bản đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến bảo đảm bí mật thông tin, đại biểu cho biết theo quy định hiện hành, người sử dụng dịch vụ viễn thông tiết lộ thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông đã thể hiện rõ việc thu thập thông tin phải được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ và việc đồng ý đó có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tại dự thảo luật lại quy định: Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin. 

Theo đại biểu, quy định như vậy chưa phù hợp do vậy cần cân nhắc theo hướng không nên quy định việc này cho doanh nghiệp viễn thông mà nên quy định trách nhiệm máy cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân.

Về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông tại Điều 14, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung điểm c khoản 2 Điều 14 liên quan đến quy định về chịu sự kiểm tra kiểm soát của doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông thành chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước địa phương, để đảm bảo vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành có liên quan…

15h13: Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Cần phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao

Góp ý vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu quan tâm về quy định đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông, đồng tình với nội dung tại điểm c khoản 4 Điều 50 về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính trong một ngày.

Tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao đến so với giá khởi điểm. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh  cho rằng, cần phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy. Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262 nghìn đồng. 

Đại biểu cũng đề cập đến những số có giá trị cao, đồng thời tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị việc phân nhóm này giao cho Bộ quy định cụ thể. Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp.

15h18: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Quy định về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam còn chưa cụ thể

Quan tâm đến nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, hiện nay hồ sơ dự án luật đã tương đối đầy đủ, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình bày khá chi tiết các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm cũng như vấn đề về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Dự thảo luật đã sửa đổi nhiều nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hoạt động dịch vụ viễn thông công ích một cách phù hợp hơn. Tuy nhiên, quy định tại Điều 32 của dự thảo Luật về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam còn chung chung.

Đại biểu cho rằng, quy định về tổ chức, hoạt động, nguồn kinh phí, sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động bộ máy của quỹ còn chưa cụ thể, chưa đảm bảo chi tiết để có thể thực hiện hiệu quả. Cụ thể, về điều kiện để giao nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối, điều kiện đặt hàng hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, điều kiện đấu thầu, cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối và điều kiện hỗ trợ trực tiếp đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối. Dự thảo có liệt kê các điều kiện cụ thể, và điều kiện cuối cùng là “các điều kiện khác”. Đại biểu đề nghị làm rõ nội dung của “các điều kiện khác”, đồng thời cần rà soát, sửa đổi lại nội dung nghị định, vì đây là nội dung rất quan trọng trong dự án luật. 

Về mức đóng góp, đối tượng được miễn giảm đóng góp vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu cho rằng, không nên xem xét miễn giảm cho các doanh nghiệp viễn thông vào quỹ này, dù là doanh nghiệp mới tham gia thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông.

15h23: Nghỉ giải lao (20 phút)

15h48: Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Rà soát các nội dung về giải thích từ ngữ để đảm bảo phù hợp

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật này…

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị cần rà soát các nội dung về giải thích từ ngữ để đảm bảo phù hợp. Cụ thể, đại biểu cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Luật Giá hiện hành quy định hàng hóa là sản phẩm có thể trao đổi, mua bán trên thị trường. Nhưng tại khoản 6, Điều 3 của dự thảo Luật viễn thông (sửa đổi) quy định hàng hóa viễn thông là phần mềm, vật tư, thiết bị viễn thông. 

Theo đại biểu, như vậy chưa bao hàm đầy đủ nội dung, ý nghĩa và tương thích với khái niệm được quy định trong Luật Giá. Vì vậy, kiến nghị cần rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng hàng hóa viễn thông là phần mềm, vật tư, thiết bị hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và các sản phẩm viễn thông khác có thể trao đổi, mua bán trên thị trường nhằm đảm bảo tính đầy đủ, chặt chẽ hơn.

15h52: Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Cần quy định trách nhiệm của các nhà mạng khi thực hiện việc chuyển mạng giữ số

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đồng thuận với Ban soạn thảo dự án Luật về các nội dung để ra nhằm đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Nêu quan điểm về việc chuyển mạng dữ số, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, cần quy định trách nhiệm của các nhà mạng khi thực hiện việc này. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể để đảm bảo công khai minh bạch trong việc cấp giấy phép viễn thông nhằm tránh tiêu cực. Về quản lý viễn thông, cũng cần có quy định cụ thể nhằm quy rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước…

Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, chuyển mạng giữ số là dịch vụ viễn thông cơ bản mà mọi người dân được hưởng. Ở nhiều nước, dịch vụ chuyển mạng giữ số được thực hiện online với thời gian khoảng từ 1 đến 2h. Khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP quy định, mỗi bên đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng trong lãnh thổ của mình cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số mà không làm suy giảm chất lượng và độ tin cậy một cách kịp thời, theo các điều khoản và điều kiện hợp lý và không phân biệt đối xử.

Tại Việt Nam, chuyển mạng giữ số được quy định tại Thông tư 35/2017. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện vẫn còn một số vướng mắc như sau: Các quy định tại Thông tư 35 còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các nhà mạng khiến các nhà mạng thực hiện không theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà mạng đưa ra rào cản về gói cam kết làm cản trở người dân thực hiện quyền chuyển mạng giữ số.

Ngoài ra, các hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng chưa đáp ứng việc truy xuất thực hiện chuyển mạng giữ số online, thủ tục vừa chậm, vừa mất công và không chính xác, thiếu minh bạch. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đánh giá cao dự thảo Luật viễn thông sửa đổi lần này đã bổ sung điểm h, khoản 2, Điều 13 về việc quy định đảm bảo cung cấp cho thuê bao khả năng chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể và đầy đủ hơn, đặc biệt là phần chế tài nhằm đảm bảo tính khả thi và tương thích các quy định tại khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP.

15h57: Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Cần điều chỉnh quy định về khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet 

Quan tâm đến khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, khoản 8 Điều 3 quy định, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet. 

Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Cơ quan soạn thảo cần làm rõ, dịch vụ này có được coi là dịch vụ viễn thông như được quy định tại khoản 7, Điều 3 hay không. Nếu dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet được coi là dịch vụ viễn thông thì loại hình dịch vụ này sẽ phải chịu ràng buộc, đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của dịch vụ viễn thông truyền thống. 

Ngược lại, nếu dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet không được coi như dịch vụ viễn thông truyền thống thì nên thay đổi tên gọi, định nghĩa lại tại khoản 8, Điều 3 để tránh sự nhầm lẫn trong cách hiểu, áp dụng, thực thi pháp luật. Hiện nay, quy định trong dự thảo đang coi các dịch vụ nhắn tin, nghe gọi trên internet là một loại hình viễn thông cơ bản, được sử dụng bởi người sử dụng dịch vụ viễn thông trên internet. Đại biểu cho rằng các dịch vụ liên lạc OTT không thể coi là dịch vụ cơ bản được, bởi chúng có nhiều tính năng, giá trị gia tăng khác so với dịch vụ viễn thông truyền thống. 

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đổi tên dịch vụ nêu trên thành dịch vụ truyền, nhận thông tin trên internet, hoặc dịch vụ truyền dịch thông tin trực tuyến, và định nghĩa lại cho phù hợp, đảm bảo sự trong sáng, dễ hiểu của văn bản pháp luật.

16h03: Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Rà soát quy định liên quan đến quốc phòng, an ninh đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật.

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến đóng góp vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến quốc phòng, an ninh, như việc thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, trung tâm dữ liệu dịch vụ điện toán đám mây dùng riêng phục vụ quốc phòng an ninh để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, như Luật Cơ yếu, Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm từ “cơ yếu” vào sau cụm từ quốc phòng an ninh vào khoản 4 Điều 19 quy định, với lý do hoạt động cơ yếu là một trong những hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia và bí mật nhà nước, sử dụng nghiệp vụ mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước do lực lượng chuyên trách triển khai trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Dảng, Nhà nước, hoạt động quốc phòng an ninh cơ yếu, ngoại giao, tư pháp…

Để đảm bảo yêu cầu thông tin bí mật phục vụ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo chỉ huy của lực lượng vũ trang, ngoại giao, do đó thông tin được mã hóa bằng mật mã cơ yếu phải được ưu tiên trong thiết lập quản lý và hoạt động trên mạng viễn thông. 

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung cụm từ “trừ trung tâm dữ liệu phục vụ quốc phòng cơ yếu” vào khoản 2 Điều 29 và cụm từ “trừ lĩnh vực quốc phòng an ninh cơ yếu” tại khoản 3 Điều 29. 

Tại khoản 2 Điều 6 Luật Cơ yếu năm 2011 quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban cơ yếu Chính phủ. Đại biểu băn khoăn, để đảm bảo tuyệt đối về bí mật quốc phòng an ninh cũng như về cơ mật trong cơ yếu, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ và đánh giá thật thấu đáo khoản 4 của Điều 69 của dự thảo luật.

16h09: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Tiếp tục rà soát làm rõ một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật

Đại biểu Trần Văn Tiến cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý và dự thảo luật. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm giải thích từ ngữ đối với “dịch vụ viễn thông công ích”, giấy phép viễn thông”… 

Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về viễn thông, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng  nên quy định một số chính sách có tính nguyên tắc để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng vào khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn bởi đây là những vùng có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, đầu tư tốn kém, người sử dụng dịch vụ hạn chế, khó hoàn trả vốn. Do đó, đầu tư cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư. Trong khi đó, quy định như dự thảo quá chung không rõ các chính sách ưu đãi của Nhà nước nên rất khó thu hút đầu tư. 

Về bảo đảm bí mật thông tin, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng Khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định “tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước” là chưa đảm bảo, bởi các thông tin bí mật nhà nước chỉ có chủ sở hữu thông tin mới có mới là người có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước. Do vậy, nên quy định trách nhiệm của chủ sở hữu thông tin về bảo vệ bí mật của Nhà nước. 

Về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng nội hàm của điều luật cần được tách thành 3 khoản về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ.

Đại biểu đề nghị làm rõ đối với trường hợp tổ chức khi đủ điều kiện theo quy định có được tham gia đấu giá thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hay không? 

Về thẩm quyền cấp giấy phép viễn thông, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết nội dung này chưa được quy định trong dự thảo mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Đại biểu đề nghị bổ sung một điều hoặc quy định bổ sung một số khoản và các Điều 33, 39, 40 về thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung thu hồi giấy phép viễn thông; đồng thời không cần giao cho Chính phủ nhằm tăng tính minh bạch cho dự thảo Luật. 

Ngoài ra, đại biểu cũng cho ý kiến về nội dung sử dụng đất cho các công trình viễn thông, về thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, về hợp tác quốc tế, về tính công khai, minh bạch của dự thảo Luật.

16h14: Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Cần đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Viễn thông với các luật liên quan

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Viễn thông.

Về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, đại biểu nhận thấy, điểm a khoản 5 Điều 9 dự thảo Luật quy định chưa phù hợp về các nội dung. Cụ thể, cấm sử dụng các thiết bị gắn, lắp, kết nối với đồng thời nhiều sim. Đại biểu cho rằng, hành vi phải gắn với đối tượng, trong khi các nội dung đều cấm quy định tính chất của hành vi, có thể gây ra các thiệt hại xã hội. Do vậy, quy định điểm a không phù hợp, đề nghị nên quy định tính chất của hành vi xâm hại đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng, nên quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật, chứ không nên gắn với đối tượng, thiết bị nhiều sim… Cần quản lý thuê bao sử dụng sim đó chứ không nên cấm sử dụng thiết bị. 

Bên cạnh đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị không giao Chính phủ quy định thêm các loại thiết bị khác, mà nên quy định rõ các tiêu chí trong luật thì Chính phủ mới có cơ sở để quy định cụ thể.

Liên quan đến vấn đề Nhà nước can thiệp đến đâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông tại điểm e khoản 2 Điều 13, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị cân nhắc theo hướng điểm đ khoản 1 Điều 29 của Luật Giao dịch điện tử, chứ không nên quy định trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối liên tục với cơ sở dữ liệu của Nhà nước vì sẽ xâm hại đến quyền tự chủ kinh doanh và giữ bí mật thông tin doanh nghiệp. 

Nội dung này còn liên quan đến tính thống nhất của Luật Viễn thông với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu cho rằng, khoản 4 Điều 20 của dự thảo Luật Viễn thông mâu thuẫn với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó nên bỏ khoản 4 Điều 20 để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Về Điều 73 điều khoản chuyển tiếp, đại biểu băn khoăn việc doanh nghiệp cấp đổi thì có cần tuân thủ điều kiện của luật mới hay không? Nếu tuân thủ điều kiện của luật mới thì không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đầu tư, nhất là quy định của luật mới đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị các vấn đề cơ bản về thủ tục cần được quy định trong luật cũng như các vấn đề về chi phí, lệ phí. Điều này sẽ tác động đến hơn 100 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện việc cấp đổi, do đó đại biểu nhận thấy, quy định này không phù hợp và cần đánh giá tác động, giải trình cụ thể các vấn đề liên quan.

16h21: Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Cần bảo vệ chặt chẽ hơn nữa quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông

Đánh giá dự thảo Luật Viễn thông đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung tương đối đầy đủ, đại biểu cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, dự thảo luật đã nêu quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch, tuy nhiên, trong thực tiễn, người sử dụng dịch vụ thường bị thiệt thòi, nhưng các quy định bảo vệ người sử dụng dịch vụ trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 4 của dự thảo luật việc phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực viễn thông để có thể bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. 

Tại Điều 33 về giấy phép viễn thông có nêu các mốc thời gian cấp phép. Đại biểu cho biết, đầu tư vào lĩnh vực viễn thông cần có nguồn kinh phí lớn, vì vậy thời hạn giấy phép cần được nghiên cứu hợp lý để doanh nghiệp yên tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, tương thích với thời gian sử dụng của thiết bị. 

Ngoài ra, về điều kiện về viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu đề nghị xác định tần số vô tuyến điện là tài sản được đấu giá để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật về đấu giá, tần số vô tuyến điện.

16h25: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Rà soát các nội dung đảm bảo đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan đã tích cực phối hợp, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đối với dự án Luật này…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan trình và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nội dung của dự án Luật này để đảm bảo tính phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo với các dự án luật liên quan, nhất là các Luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đấu giá tài sản… Đặc biệt là các dự án Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định chuyển tiếp; đồng thời rà soát đảm bảo việc lắp đặt các công trình viễn thông trên trụ sở công phải đảm bảo an toàn, an ninh cho cơ quan, tổ chức quản lý trụ sở, tài sản công. Việc lắp đặt các trạm thu phát sóng phải an toàn và đảm bảo sức khỏe sinh hoạt cho người dân xung quanh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động, thiết bị, cơ sở vật chất của các cơ quan nhà nước, đơn vị, người dân…

16h31: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của đại biểu Quốc hội đóng góp hoàn thiện dự thảo luật; các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này. 

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, vấn đề này đã được cân nhắc đưa vào 3 dịch vụ mới, vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm đồng thuận của nhiều đại biểu để đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu chỉnh lý, hoàn thiện vừa đảm bảo công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, quyền lợi của người sử dụng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có không gian sáng tạo và phát triển. 

Về nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông và các đại lý, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định trách nhiệm không chỉ của các doanh nghiệp, các đại lý và của cả cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý không đứng ngoài cuộc trong lĩnh vực này.
Đối với ý kiến về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết đây là vấn đề quan trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng lõm sóng. Thời gian qua Quỹ này hoạt động hiệu quả nhưng cũng còn một số hạn chế, vì vậy được sửa đổi các quy định liên quan đến Quỹ đảm bảo hiệu quả hơn.

Liên quan đến thẩm quyền, thủ tục, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy tiếp thu ý kiến đại biểu, hạn chế giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, đây là xu hướng phát triển, vấn đề này không chỉ được điều chỉnh trong Luật Viễn thông mà cả trong Luật Tần số vô tuyến điện. Cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đã nghiên cứu thêm về giá khởi điểm sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về đấu giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến quy định về đồng bộ, thống nhất với các văn bản có liên quan; kết nối dữ liệu; đồng bộ dữ liệu; quy định liên quan đến quốc phòng an ninh; điều kiện chuyển tiếp…

16h44: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật như: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, đặc biệt là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Tài sản công, Luật Giá, Luật Đấu giá tài sản, Luật Cơ yếu, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội