THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI VỀ GIẢM 2% THUẾ VAT MỘT MŨI TÊN TRÚNG NHIỀU ĐÍCH
GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢM THUẾ GTGT - THỜI GIAN ÁP DỤNG PHẢI ĐỦ ĐỂ CHÍNH SÁCH ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Giảm 2% thuế VAT góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Như vậy, Quốc hội đã hai lần đồng ý giảm thuế VAT để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp: lần 1 từ ngày 1.2.2022 đến hết ngày 31.12.2022; lần 2 từ ngày 1.7.2023 đến hết ngày 31.12.2023. Theo đánh giá của Chính phủ, chính sách này cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Qua 03 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 năm 2023), chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng, đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Điều này thể hiện ở tăng trưởng GDP quý II và quý III cao hơn quý I. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều đặn tăng: tháng 7 tăng 7,1%, tháng 8 là 7,6%, tháng 9 là 7,5% và tháng 10 là 7%, chấm dứt đà suy giảm của chỉ số này kể từ tháng 1.2023. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; song lạm phát vẫn được kiểm soát khi CPI bình quân 10 tháng tăng 3,2%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%).
Việc tiếp tục giảm thuế là cần thiết
Tại Tờ trình số 621/TTr-CP, Chính phủ cho biết, 10 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường hoặc tạm rời khỏi thị trường tăng đến 20% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 7,1%, nhập khẩu giảm 12,3%; thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 86,3% dự toán. Tăng trưởng cả năm dự báo khoảng 5% - cách rất xa mục tiêu đặt ra.
Hiện tại đã vậy, tương lai lại chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Cả hai báo cáo gần đây về triển vọng kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh, lạm phát kéo dài. Diễn biến này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta - vốn có độ mở khá lớn.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Ủy ban Kinh tế chủ trì tổ chức vào ngày 19/9, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề cần kích cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2022, tổng kim ngạch bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng vượt ngưỡng 230 tỷ USD với tốc độ tăng gần 20% - cho thấy thị trường trong nước đang dần trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng. Và nay, khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng, giúp tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện giảm thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% đã được thực hiện ổn định trong năm 2022 và năm 2023. Do Chính phủ đề nghị tiếp tục giảm thuế GTGT như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15, cụ thể:
Giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất của Chính phủ về giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024 ngày 15/11
Xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT để báo cáo Quốc hội, có ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề xuất giảm 2% thuế VAT cho cả năm 2024; có ý kiến đề nghị giảm thuế cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Đây đều là những mong muốn xác đáng. Tuy nhiên, cả Quốc hội và Chính phủ đều phi “liệu cơm gắp mắm” khi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước gần đây ngày càng khó khăn, thể hiện qua tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (đặc biệt là tỷ lệ huy động từ thuế và phí) trên GDP đang trên đà suy giảm. 10 tháng đầu năm nay, thu ngân sách cũng giảm 9,2% so cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, trường hợp đến tháng 5.2024, nếu cần thiết kéo dài thời gian giảm thuế VAT, Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét và quyết định trong Kỳ họp thứ 7 - vẫn bảo đảm sự kịp thời và không gián đoạn.
Trước đó, tại phiên thảo luận về ngân sách nhà nước ngày 2-11, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần mở rộng đối tượng giảm thuế VAT 2% cho tất cả các lĩnh vực. VCCI cũng kiến nghị mở rộng việc giảm thuế VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ; Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có giảm VAT cho bất động sản...Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc giảm 2% thuế VAT đã thực hiện theo nghị quyết 43. Tuy nhiên với một số ngành nghề kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng... không thực hiện giảm, bởi việc giảm thêm sẽ gây áp lực cho ngân sách.
Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội giữa 2 đợt kỳ họp thứ 6
Dự kiến sẽ giảm thu NSNN khoảng 25 nghìn tỷ đồng
Đánh giá tác động đến thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 06 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu NSNN khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng: giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ và trình Quốc hội bổ sung nội dung này vào Chương trình Kỳ họp thứ 6 và trình Quốc hội thông qua đề xuất này, thể hiện sự linh hoạt, kịp thời, và đồng hành của Quốc hội cùng Chính phủ quyết nghị ngay giải pháp cấp bách nhằm tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, người dân và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.