THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI LÀNG VĂN HÓA - DU LỊCH CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

18/12/2023

Sáng ngày 18/12, Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có buổi làm việc với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để chuẩn bị cho Phiên giải trình về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chủ trì buổi làm việc.

SẼ TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀO CUỐI 2023

NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO Ở ĐỊA PHƯƠNG

CẦN ĐẦU TƯ, QUẢN LÝ ĐỒNG BỘ CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng

Ngày 21/8/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 667/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Mục tiêu đầu tư là xây dựng Làng thành một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và khách quốc tế...

Theo Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 15/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Làng có tổng diện tích 1.544 ha, thuộc ranh giới hành chính của các huyện Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Quy hoạch không gian phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được tổ chức thành 7 phân khu chức năng, gồm: Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí; Khu Các làng dân tộc Việt Nam; Khu Di sản văn hóa thế giới; Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp; Khu Công viên bến thuyền; Khu Cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô; Khu Quản lý điều hành văn phòng. Trong đó, chỉ Khu Các làng dân tộc Việt Nam và Khu Quản lý điều hành văn phòng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, còn lại kêu gọi đầu tư.

Đến nay, gần như toàn bộ diện tích của dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã cơ bản được giải phóng mặt bằng, chỉ còn khoảng 5% diện tích đất đang vướng mắc. Hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung và 54 không gian kiến trúc của 54 dân tộc; 3 dự án: Khu các làng dân tộc I, Khu các làng dân tộc II, Khu các làng dân tộc III thuộc Khu các làng dân tộc. Hoàn thành lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và công tác chuẩn bị đầu tư.

Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Trịnh Ngọc Chung

Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp không đạt theo kế hoạch vốn tại Quyết định 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (tới hết năm 2023 mới đạt 65,2%) nên tiến độ các dự án bị kéo dài. Đáng chú ý, hiện vẫn chưa thu hút được đầu tư vào các Khu chức năng của Làng, dẫn đến thiếu đồng bộ, thiếu dịch vụ phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, nên khó khăn trong tổ chức vận hành.

Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Trịnh Ngọc Chung cho biết, các cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành đang phát huy tác dụng nhưng hạn chế hiệu lực do các luật chuyên ngành điều chỉnh. Giá đất áp dụng theo khu vực được UBND Thành phố Hà Nội ban hành cao nên khó thu hút đầu tư đối với các dự án văn hóa, du lịch.Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai... chưa đề cập Ban Quản lý như một cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam... Bên cạnh đó, Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê đã trình cấp có thẩm quyền nhưng đến nay chưa được phê duyệt.

Các thành viên Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục 

Để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đầu tư phát triển theo đúng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã xác định, đồng thời được khai thác, vận hành có hiệu quả, Ban Quản lý Làng kiến nghị xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để Ban Quản lý Làng có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai... tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như Khu Kinh tế; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng định mức chi cho đồng bào tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng. Đối với các địa phương, tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giới thiệu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản tại Làng.

Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận những nỗ lực của Ban Quản lý Làng hơn 20 năm qua cả trong thực hiện đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý, vận hành dự án, đưa được đồng bào 16 dân tộc về sinh hoạt, giới thiệu văn hóa tại Làng; đồng thời nhấn mạnh, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình thiết chế văn hóa đặc biệt của cả nước với mục tiêu và kỳ vọng lớn về một địa chỉ văn hóa, du lịch quốc gia.

Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, mặc dù đã đạt một số kết quả ban ban đầu, song Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn phải nỗ lực hơn nữa mới đạt được mục tiêu. Trong đó, cần đầu tư có trọng tâm trọng điểm, quản lý tốt nguồn vốn, bám sát quy hoạch, quan tâm đến quản lý, khai thác hiệu quả các công trình, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực; lưu ý tính đồng bộ của các công trình, cân bằng giữa đầu tư và quản lý.

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn công tác cũng cơ bản thống nhất về việc cần thiết xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, song cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, đánh giá lại mô hình hoạt động của Làng và cách triển khai thực hiện sao cho phù hợp và hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết, những kiến nghị của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ được chuyển đến lãnh đạo các bộ, ngành trong phiên giải trình sắp tới của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đồng thời nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan./.

Thu Phương