Hội nghị ĐBQH chuyên trách: Làm rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa

05/04/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 2- Quốc hội khóa XIV, sáng 5/4, tại phòng Thăng Long- Nhà Quốc hội, Hội nghị đã xem xét, thảo luận về một số nội dung của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, một trong số đó là tập trung cho ý kiến đối với tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay mặt Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo các nguyên tắc sau: bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng; không vi phạm nguyên tắc thị trường, không vi phạm các điều ước quốc tế; hỗ trợ có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi trong cân đối nguồn lực để hỗ trợ DNNVV.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Hội nghị                                   Ảnh: Đình Nam

Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV, bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa có số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí về tài chính, cụ thể là tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Việc bổ sung lựa chọn tiêu chí doanh thu cũng phù hợp với thực tế hiện đang áp dụng trong lĩnh vực thuế, ngân hàng. Căn cứ quy định này, Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong từng thời kỳ để tạo sự ổn định của Luật.

Cơ bản nhất trí với hai loại tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa quy định tại Khoản 1, Điều 4- Dự thảo Luật gồm tiêu chí về số lượng lao động và tiêu chí về vốn, doanh thu, tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn- tỉnh Nam Định, mặc dù Dự thảo Luật nêu khái niệm doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng trong toàn bộ nội dung còn lại lại không đề cập đến nữa và cũng không có chính sách riêng đối với loại hình này, như vậy, việc quy định là “không có ý nghĩa gì”. Do đó, đại biểu đề nghị hoặc phải có tiêu chí cụ thể xác định, bổ sung những chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc không nên đề cập khái niệm này trong Dự thảo Luật nữa.

Mặt khác, với tiêu chí doanh nghiệp có doanh thu dưới 300 tỷ/năm thì hiện có tới 98,55% doanh nghiệp nằm trong đối tượng này, tức là tuyệt đại đa số; với tiêu chí doanh nghiệp có lao động dưới 300 người thì có đến 97,96% doanh nghiệp. Nếu định lượng hai tiêu chí trên để xác định loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa thì có xấp xỉ 98% doanh nghiệp cần được hỗ trợ.

Đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định là những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì phải có tỷ lệ phù hợp để cân đối được nguồn lực và đảm bảo nguyên tắc tập trung nguồn lực để hỗ trợ khâu yếu. Nhưng với tiêu chí như trên thì có đến 98% doanh nghiệp cần được hỗ trợ, điều này sẽ không đảm bảo được nguồn lực, không đảm bảo được mục tiêu đã đạt ra là việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Theo đó, đại biểu đề nghị phải cân đối định lượng của 2 tiêu chí này, định lượng về doanh thu cũng như định lượng về số người lao động để giảm tỷ lệ số doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống. Trên cơ sở đó mới đảm bảo được việc tập trung hỗ trợ đạt hiệu quả cao.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà- tỉnh Ninh Thuận, quy định như tại Khoản 1, Điều 4- Dự thảo Luật hiện không đúng với đối tượng áp dụng, bởi Dự thảo Luật chỉ điều chỉnh doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, đại biểu cho rằng, nếu quy định doanh nghiệp siêu nhỏ thì cần phải bổ sung vào tên gọi và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật.

Đánh giá việc xác định tiêu chí các doanh nghiệp là vấn đề hết sức cơ bản, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt- tỉnh Gia Lai khẳng định, nếu không xác định đúng tiêu chí doanh nghiệp thế nào là nhỏ, thế nào là vừa thì chính sách hỗ trợ sẽ không đi vào cuộc sống và gây khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp. Việc xác định tiêu chí các doanh nghiệp cũng nhằm đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, công bằng, bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh trục lợi và phù hợp với tình hình kinh tế của nước ta hiện nay.

Đặt câu hỏi: nếu tiêu chí lao động đúng quy định nhưng doanh thu cao hơn 300 tỷ hoặc tiêu chí lao động hơn 300 người và nguồn vốn dưới 100 tỷ thuộc loại doanh nghiệp nào?, đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng, ở đây xảy ra nhiều trường hợp và nếu không xác định đúng bản chất của các doanh nghiệp thế nào là nhỏ, thế nào là vừa thì việc có các chính sách ưu tiên sẽ không đảm bảo. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ xác định tiêu chí là số lao động có đóng bảo hiểm, số vốn ban đầu còn doanh thu sẽ là tiêu chí nộp thuế. “Nếu không xác định đúng thì hỗ trợ không đúng, dàn trải, các doanh nghiệp siêu nhỏ không bao giờ dám từ hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp, vì không thể vay vốn, không thể tiếp cận được”- đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh- tỉnh Bình Định, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức- TP. Hồ Chí Minh và một số đại biểu khác cũng cho rằng việc xác định tiêu chí như hiện nay trong Dự thảo Luật là không rõ, không ổn định, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, xem xét và làm rõ lại các nội dung này. Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy- tỉnh Hậu Giang đề nghị xem xét để đưa tiêu chí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đối với tiêu chí xác định doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, về cơ bản, các đại biểu đồng tình với việc lựa chọn 3 tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là về lao động, nguồn vốn, doanh thu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị phải xác định nếu theo tiêu chí này của dự thảo luật thì sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng số 550.000 doanh nghiệp đang hoạt động?.

Về tiêu chí xác định bằng số lao động, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ở các nước như New Zealand thì doanh nghiệp nhỏ và vừa có loại siêu nhỏ là từ 3- 4 lao động, doanh nghiệp nhỏ khoảng 20 lao động, doanh nghiệp trên 100 lao động thì không xếp là doanh nghiệp vừa. “Một nhà máy xi măng rất lớn của tỉnh Yên Bái cũng chỉ có 200 lao động mà chúng ta lại xếp là doanh nghiệp vừa thì có nên không?”. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải cân nhắc lại số lao động vì nó còn liên quan đến nguồn lực và hướng hỗ trợ.

Về tiêu chí xác định bằng doanh thu, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: có những doanh nghiệp chỉ 3- 4 lao động nhưng doanh thu có thể đến vài trăm tỷ vì là doanh nghiệp công nghệ thông tin thì có xếp họ là doanh nghiệp nhỏ và vừa không? Họ có siêu lợi nhuận thì câu chuyện này thế nào?. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị sẽ chọn 3 tiêu chí là nguồn vốn, số lao động và doanh thu nhưng việc lựa chọn như thế nào thì cần tiếp tục thảo luận và đưa ra các phương án trong thời gian tới.

Quang Minh