DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM PHẢI THÔNG BÁO VỚI BỘ TÀI CHÍNH KHI CÓ THAY ĐỔI TRONG ĐIỀU LỆ HOẠT ĐỘNG

07/04/2022

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế, Dự thảo Luật quy định khi thay đổi các nội dung trong Điều lệ hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm thông báo với Bộ Tài chính để cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin, đánh giá đối với rủi ro hoạt động của doanh nghiệp.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh việc công bố thông tin là cần thiết vì doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến số đông người tham gia bảo hiểm. Theo đó, quy định phải công bố thông tin trên 01 tờ báo, 03 số báo liên tiếp tại Điều 72 của dự thảo Luật cũng tương tự với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, để thuận tiện cho doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng: “Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải công bố các nội dung của giấy phép trên 01 tờ báo in hoặc báo điện tử của Việt Nam trong 03 số liên tiếp ít nhất 30 ngày trước ngày chính thức đi vào hoạt động”.

Đối với quy định về thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động tại điểm đ khoản 1 Điều 73 của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, dự thảo Luật đã có các quy định đặc thù riêng so với Luật Phá sản như: Việc bảo đảm các quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được thực hiện trước khi nộp hồ sơ yêu cầu phá sản thông qua việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm; quy định về các biện pháp can thiệp khi tình trạng tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn bao gồm: các biện pháp cải thiện, biện pháp can thiệp sớm và biện pháp kiểm soát nhằm khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Việc phá sản doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi kết thúc thời hạn kiểm soát mà doanh nghiệp vẫn không khôi phục được khả năng thanh toán.

Do đó, trong trường hợp này không cần thiết phải tiến hành lại các bước khôi phục tình hình tài chính của doanh nghiệp (hội nghị chủ nợ, khôi phục khả năng thanh toán…) như quy định của Luật Phá sản mà có thể tiến hành ngay tới bước thanh lý tài sản và thực hiện thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động sau khi tòa án nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Quy định này cũng tương tự như quy định về thu hồi giấy phép trong trường hợp phá sản của tổ chức tín dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Đối với quy định về việc phải được chấp thuận hoặc thông báo khi thay đổi Điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hiện nay, dự thảo Luật đã chuyển sang mô hình quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro, theo đó việc quản lý vốn, tài sản và áp dụng các biện pháp can thiệp sớm đối với doanh nghiệp được dựa trên rủi ro hoạt động của từng doanh nghiệp. Vì vậy, khi doanh nghiệp thực hiện thay đổi các nội dung trong Điều lệ hoạt động, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông báo với Bộ Tài chính để cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin, đánh giá đối với rủi ro hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định tại khoản 3 Điều 74 vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc sửa đổi Điều lệ. Doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ thông báo mà không cần được sự chấp thuận của Bộ Tài chính trước khi thay đổi Điều lệ.

Với ý kiến đề nghị nghiên cứu giảm các thủ tục hành chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều 75 của dự thảo Luật trong việc phê chuẩn các chức danh của doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phê chuẩn các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán là cần thiết để bảo đảm tính an toàn trong hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tránh trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhân sự không đáp ứng được điều kiện, gây ra các hậu quả đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ quan quản lý chỉ có thể phát hiện  khi thông qua cơ chế hậu kiểm. Bên cạnh đó, đây cũng là quy định hiện hành và đã được áp dụng hơn 20 năm qua, không có vướng mắc trên thực tế. Đồng thời, việc phê chuẩn này cũng phù hợp với thông lệ chung của các nước trong khu vực và cũng đang là một trong các nội dung thường xuyên được trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý bảo hiểm trong khu vực.

Đối với quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn phải có Ban kiểm soát, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, tương tự như lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm là một lĩnh vực đặc thù và là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do đó cần đặt ra yêu cầu cao về quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ và một trong số các yêu cầu đó là quy định về việc cơ cấu tổ chức phải có Ban kiểm soát. Thực tế hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm lựa chọn tổ chức Ban kiểm soát (Kiểm soát viên) nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản trị tại doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp bảo hiểm có 100% vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập dưới hình thức công ty TNHH một thành viên... Tuy nhiên, dự thảo Luật đã có quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ. Với thiết kế này tại dự thảo Luật cũng đã bảo đảm ba lớp phòng vệ theo mô hình quản trị tiên tiến.

Ngoài ra, do mô hình công ty TNHH có số lượng chủ sở hữu hạn chế, tác động ít đến đại chúng. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tạo sự linh hoạt, tăng tính chủ động, phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thành lập dưới hình thức công ty TNHH được tự quyết định việc thành lập Ban Kiểm soát./.

Minh Hùng

Các bài viết khác