PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN LƯU Ý 11 NHÓM NHIỆM VỤ TRONG THÁNG 4/2022

07/04/2022

Chiều ngày 07/4, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp giao ban tháng 3/2022, triển khai nhiệm vụ tháng 4/2022 giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội.


Tham dự cuộc họp còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cùng với lãnh đạo, Ủy viên Thường trực của các Ủy ban của Quốc hội.

Báo cáo về một số công tác chủ yếu trong tháng 3/2022 và dự kiến những nhiệm vụ trọng tâm tháng 4/2022 của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết: Trong tháng 3/2022, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực vượt qua khó khăn và cơ bản hoàn thành các nội dung thuộc chương trình công tác tháng 3 và các nhiệm vụ phát sinh, góp phần vào việc tiếp tục bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, lòng tin của Nhân dân, bạn bè quốc tế, nhà đầu tư được tăng lên...

Nhìn chung, các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra.


Toàn cảnh cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội. 

Những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4/2022, các cơ quan tiếp tục tham mưu, phục vụ việc triển khai ý kiến kết luận tại cuộc họp giao ban lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội; tiếp tục triển khai xây dựng các nội dung, đề án và tham gia ý kiến vào các nội dung, đề án theo sự phân công, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; triển khai 107 nội dung, đề án trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội và 137 nhiệm vụ thuộc định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) tới toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ cơ quan.

Các cơ quan chuẩn bị kịp thời, kỹ lưỡng các nội dung phiên họp thứ 10 (dự kiến từ ngày 14-27/4/2022) và phiên họp thứ 11 (dự kiến từ ngày 10-13/5/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (dự kiến Đợt 1-họp trực tuyến từ 23/5-8/6; Đợt 2-họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ 14-23/6; hoặc phương án họp tập trung cả 02 Đợt).

Các cơ quan tiếp tục khẩn trương triển khai các nội dung theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tiếp tục triển khai 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong gói chính sách tài khoá, tiền tệ đã được Quốc hội thông qua. Tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế về bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về hướng dẫn việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Các cơ quan tham mưu, phục vụ các hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội dự Hội nghị liên tịch thường niên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nghị triển khai kết quả Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất và triển khai công tác đối ngoại năm 2022 của Quốc hội, cuộc họp để nghe báo cáo về việc chuẩn bị 03 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cuộc họp giao ban lãnh đạo Quốc hội, các cuộc họp của Đảng đoàn Quốc hội (trong đó có Họp Đảng đoàn Quốc hội với Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3) và các cuộc họp, hội nghị khác.

Các cơ quan tiếp tục triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2022, trong đó, chuẩn bị phục vụ lãnh đạo Quốc hội đón, tiếp các đoàn Quốc hội các nước thăm Việt Nam. Các cơ quan tham mưu chuẩn bị nội dung họp giao ban lãnh đạo Quốc hội, giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch tháng 4/2022.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, đa số lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với Báo cáo về một số công tác chủ yếu trong tháng 3/2022 và dự kiến những nhiệm vụ trọng tâm tháng 4/2022.

Lãnh đạo của các Ủy ban tập trung cho ý kiến, đề xuất nhiệm vụ trong tháng 4/2022 để chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2022. Một số ý kiến đề xuất nên dành nhiều thời gian, thời lượng để tổ chức kỳ họp này theo hình thức trực tiếp nhiều hơn khi mà dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát hiệu quả.

Một số lãnh đạo của các Ủy ban còn cho ý kiến về việc đảm bảo thẩm tra các dự án luật được chất lượng, bám sát thực tế cuộc sống hơn; tổ chức cho các đoàn đi tiếp xúc cử tri, giám sát tại địa phương thực sự hiệu quả...

Phát biểu tại cuộc giao ban, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những công việc, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện trong tháng 3/2022. Trong tháng 3/2022, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Hà Nội và một số nơi nên nhiều đoàn giám sát của các Ủy ban không thể đi kiểm tra thực tế ở các địa phương nhưng các các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực làm việc, bám sát, xử lý kịp thời cũng như đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trong thực tiễn như: Quản lý thị trường giá cả các mặt hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình đấu giá đất, thị trường chứng khoán...

Để các hoạt động của Quốc hội, của các Ủy ban của Quốc hội thực sự linh hoạt, đáp ứng được với yêu cầu thực thiễn của cuộc sống, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có sự phối hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra và được giao.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thực hiện các nhiệm vụ được giao. 

Phát biểu kết luận tại cuộc họp giao ban, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn Ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục có nhiều nỗ lực, tích cực, nên kết quả đạt được là cơ bản, toàn diện, bảo đảm tiến độ, có nhiều việc được dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao. Tinh thần là đổi mới, hiệu quả, chuyên nghiệp càng ngày càng được phát huy rõ rệt.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ với khó khăn trong tháng qua, nguồn nhân lực tại chỗ của cơ quan có lúc, có thời điểm là căng thẳng, thiếu hụt lớn do nhiễm Covid-19, song trên hết, là sự vượt khó của mỗi tập thể, cá nhân để duy trì nền nếp, ổn định và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong tháng 3.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc họp.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương toàn thể các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Văn phòng Quốc hội, các Cục, Vụ liên quan đã đổi mới toàn diện hình thức báo cáo, chất lượng báo và tin tưởng rằng, không khí, tinh thần, tác phong làm việc nền nếp, khoa học, hiệu quả này sẽ tiếp tục trở thành động lực, phong trào thi đua, có sức lan tỏa, hiệu quả trong thời gian tiếp theo.

Dự kiến, khối lượng công việc thường xuyên và việc phát sinh trong tháng 4 là rất lớn có tính chất quan trọng, quyết định để tổ chức tốt, đổi mới, hiệu quả kỳ họp Quốc hội lần thứ 3. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan và các đồng chí chủ động, tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung, công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, lưu ý 11 nhóm nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, giao Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục triển khai thực hiện: Ý kiến kết luận tại cuộc họp giao ban lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tháng 4/2022; Tiếp tục xây dựng các nội dung, đề án và tham gia ý kiến vào các nội dung, đề án của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung được trình tại Hội nghị Trung ương 5 của Đảng (đầu tháng 5/2022); Rà soát tiến độ thực hiện 120 nhiệm vụ lập pháp thuộc Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 81 nội dung, đề án còn lại thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nội dung liên quan đến Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội; Giao Thường trực Ủy ban Tư pháp theo dõi, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng giao; Giao Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội về nội dung tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội tham mưu thời gian tổ chức cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương về nội dung này.

Thứ hai, giao Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung chuẩn bị kịp thời, các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 (dự kiến từ ngày 14-27/4/2022) và phiên họp thứ 11 (dự kiến từ ngày 10-13/5/2022). Việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (dự kiến gồm 2 đợt, đợt 1họp trực tuyến từ ngày 23/5-8/6, đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 14-23/6 hoặc phương án họp tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội). Cụ thể: Giao Tổng Thư ký Quốc hội 02 nhóm việc: (i) Khẩn trương dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 10, cần tính toán cụ thể phương án họp với thời lượng cụ thể; một số dự án luật đã được chuẩn bị có thể giảm thời gian thảo luận. (ii) Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp UBTVQH ban hành Nghị quyết về hướng dẫn việc giám sát việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội.

Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật 03 việc: (i) Khẩn trương theo dõi, đôn đốc, đảm bảo tiến độ thẩm tra kỹ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); (ii) dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; (iii) giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022. Giao Thường trực Ủy ban Tư pháp khẩn trương phối hợp với Ban Công tác đại biểu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng thành viên của Ủy ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Giao Thường trực Ủy ban Kinh tế (04 việc): (i) Khẩn trương theo dõi, đôn đốc, đảm bảo tiến độ thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); (ii) Nghiên cứu, thẩm tra báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; (iii) Giúp Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát; (iv) Về hai dự án trọng điểm quốc gia (đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh) tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 05 dự án quan trọng quốc gia.

Giao Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách: (i) Khẩn trương theo dõi, đôn đốc, thẩm tra các báo cáo về: tài chính nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; (ii) dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án, khoản vốn chưa phân bổ, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sang năm 2022; (iii) dự kiến phương án phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phương án điều hòa vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025); (iv) việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021. Giao Thường trực Ủy ban Xã hội khẩn trương theo dõi, đôn đốc, đảm bảo tiến độ thẩm tra kỹ lưỡng 02 dự án Luật: Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Khẩn trương theo dõi, đôn đốc, đảm bảo tiến độ thẩm tra kỹ lưỡng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Giao Ban Dân nguyện tiếp tục phối hợp, hoàn thiện báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022. Chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tại kỳ hợp thứ 3. Phiên họp 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Đoàn Chủ tịch tham gia góp ý kiến với dự thảo báo cáo này.

Thứ ba, giao Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan liên quan kịp thời theo dõi, giám sát về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc những rủi ro khi thiếu điện, thiếu nguồn nhân lực cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…

Thứ tư, giao Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện (03 việc): (i) Tiếp tục giám sát về tình hình cung ứng, xuất nhập khẩu, bình ổn giá xăng dầu trong nước và hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng văn bản kèm theo Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành và gửi báo cáo Thường trực Ban Bí thư. (ii) Theo dõi, giám sát về diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước để chủ động đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến. (iii) Theo dõi, giám sát về tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong gói chính sách tài khoá, tiền tệ đã được Quốc hội thông qua.

Thứ năm, giao Thường trực Ủy ban Đối ngoại (02 việc): (i) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị triển khai kết quả Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất và triển khai công tác đối ngoại năm 2022 của Quốc hội. (ii) Phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao… để phục vụ lãnh đạo Quốc hội đón, tiếp các đoàn Quốc hội các nước thăm Việt Nam (dự kiến là 05 đoàn): Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Singapore (từ 18-20/5), Chủ tịch Quốc hội Mozambique (từ 18-20/6); Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Nghị viện Campuchia.  Lưu ý việc khẩn trương phối hợp để sớm xây dựng chương trình đón Đoàn Chủ tịch Quốc hội Lào, Nghị viện Campuchia, trong đó, bố trí Đoàn làm việc với các tỉnh, địa phương gần biên giới.

Thứ sáu, giao Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (03 việc): (i) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và cơ quan liên quan chuẩn bị Hội nghị liên tịch thường niên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN. (ii) Tham mưu, chuẩn bị nội dung họp giao ban lãnh đạo Quốc hội, giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội (nội dung này đã triển khai xong). (iii) Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội theo Chương trình công tác tháng 4/2022; tham mưu, phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuẩn bị dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV…

Thứ bảy, giao Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu, báo cáo về chủ trương để thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp các Đoàn đại biểu địa phương về thăm quan tại Nhà Quốc hội - biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc như: Đoàn người có công, Đoàn thủy thủ tàu không số... Tham mưu về quà lưu niệm của lãnh đạo Quốc hội khi tiếp đoàn.

Thứ tám, về các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo:

Về đề xuất, kiến nghị của Văn phòng Quốc hội: Đề nghị Thường trực Ủy ban Đối ngoại phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời về các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội tới Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để bảo đảm thực hiện tốt công tác trong tham mưu, phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội và xây dựng chương trình công tác tuần, tháng của lãnh đạo Quốc hội.

Về phương án thiết kế nhận diện, cảnh quan bên ngoài Nhà Quốc hội và phương án thiết kế nhận diện Truyền hình Quốc hội Việt Nam: Giao Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội tại cuộc họp giao ban lãnh đạo Quốc hội ngày 05/4/2022 để tiếp tục hoàn thiện báo cáo lãnh đạo Quốc hội xem xét, quyết định.

Về kiến nghị của Viện Nghiên cứu lập pháp: Đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban theo lĩnh vực được giao phụ trách phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình thẩm tra, giám sát các nội dung được giao chủ trì thực hiện để tận dụng được các nguồn lực, thông tin tham khảo của đội ngũ chuyên gia của Viện.

Thứ chín, trước yêu cầu ngày càng cao trong công tác điều hành, chỉ đạo xử lý các công việc của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội yêu cầu các đồng chí Trợ lý, Thư ký của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; Thư ký của Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: (i) Tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, cần đổi mới, sáng tạo trong công tác tham mưu, phục vụ; (ii) Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Quốc hội và cơ quan ngoài Quốc hội để kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến về những nội dung công việc thuộc thẩm quyền hoặc những vấn đề phát sinh đột xuất. (iii) Phối hợp chặt chẽ với các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội trong việc xử lý, kịp thời báo cáo lãnh đạo về các văn bản hành chính, đơn thư khiếu nại tố cáo của các tổ chức, cá nhân do các cơ quan trình hoặc chuyển đến.

Thứ mười, giao Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội và cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách cho đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội và rà soát, kiện toàn nhân sự tại các cơ quan; trong đó, giao Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội tham mưu Đảng đoàn Quốc hội về chủ trương kiện toàn nhân sự Phó Chánh Văn phòng hoạt động chuyên trách để tham mưu, phục vụ Đảng đoàn Quốc hội trong công tác điều hòa, phối hợp công tác với các Ban Đảng Trung ương, các Ban cán sự đảng, Tỉnh ủy/Thành ủy và các công việc thuộc thẩm quyền của Đảng đoàn Quốc hội.

Thứ mười một, giao Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chuẩn bị nội dung báo cáo về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có một buổi làm việc với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số Ủy ban có liên quan./.

** Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc họp giao ban:


Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề xuất kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV nên dành nhiều thời gian cho việc họp trực tiếp.


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tại các địa phương.


Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để những dự án Luật đảm bảo hiệu quả, các Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của các Ủy ban cần được gửi tới các đại biểu sớm hơn để tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu quan điểm về nâng cao hoạt động chuyên môn của các Ủy ban và đề xuất kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV nên được tổ chức theo hình thức trực tiếp nhiều hơn trực tuyến.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tấn Phong đề cập hoạt động đối ngoại của Ủy ban trong tháng 4 và trong thời gian tới.


Đại diện Ban Công tác đại biểu đóng góp ý kiến về công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động của các Ủy ban đạt hiệu quả hơn. 


 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận sự nỗ lực các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Bích Lan - Minh Thành

Các bài viết khác