TS.ĐẬU ANH TUẤN: ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN CẦN CÓ LỘ TRÌNH PHÙ HỢP

07/04/2022

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, theo TS.Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, việc điều chỉnh quy hoạch tần số vô tuyến điện sẽ có tác động rất lớn đến xã hội và nền kinh tế, do đó cần được đưa ra một cách cẩn trọng hơn và cần có lộ trình phù hợp.

 

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Tuy nhiên, trải qua quá trình thực thi cho đến nay, với thực tế sự phát triển thông tin vô tuyến điện trong cuộc sống thì một số điều của Luật hiện không còn phù hợp nên cần có sự chỉnh sửa, bổ sung. Chính vì vậy, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng vừa tổ chức Hội nghị thẩm tra đối với dự án Luật này. Dự kiến, dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn.

Thẩm tra về dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định: Việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Nghị quyết về chỉ số đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, về phát triển khoa học – công nghệ; khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực, trong đó có tài nguyên tần số. Đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật nói chung và để kịp thời giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nói riêng. Tuy nhiên, so với dự án Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, trong hồ sơ Chính phủ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này, vẫn còn một số nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp so với thực tiễn cuộc sống, sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện.

Cho ý kiến về giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định trong dự án Luật, TS.Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm: Điều 16, khoản 2 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ được cấp “kèm theo các điều kiện cụ thể”. Luật hiện hành cũng như dự thảo không quy định rõ các điều kiện cụ thể này là gì. Các điều kiện này được hiểu là sự hạn chế quyền sử dụng tần số của doanh nghiệp được cấp, cũng chính là hạn chế quyền tài sản của doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 14.2 của Hiến pháp 2013, việc hạn chế quyền chỉ được quy định trong luật, chứ không phải văn bản dưới luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ quy định về các điều kiện cụ thể trong giấy phép vào trong luật này, như quan điểm VCCI đã góp ý ở giai đoạn đề nghị xây dựng Luật.

Đối với điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp đấu giá, TS.Đậu Anh Tuấn cho rằng, điều 19.2, Điều 20.2 và Điều 21.2 đưa ra các điều kiện để được cấp giấy phép. Các điều kiện này được suy đoán là nhằm loại bỏ một số cá nhân, tổ chức xin giấy phép tần số sau đó không sử dụng, gây lãng phí và cản trở các cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng hiệu quả hơn. Như vậy, các điều kiện này phù hợp với trường hợp cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển nhưng dường như không phù hợp với trường hợp cấp phép thông qua đấu giá. Trong trường hợp đấu giá, bên tham gia đã phải trả chi phí rất lớn để có được quyền sử dụng tần số. Nếu người trúng đấu giá không sử dụng tần số một cách hiệu quả thì sẽ chịu thua lỗ lớn. Do đó, việc quy định thêm các điều kiện trên dường như không còn cần thiết. Nếu bỏ các điều kiện này đi, có thể sẽ giúp tăng thêm các đơn vị tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn.

TS.Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Theo TS.Đậu Anh Tuấn, biện pháp trên cũng tương tự như việc cấp quyền sử dụng đất hiện nay. Nếu doanh nghiệp xin đất không qua đấu giá hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất thì cần phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, mục đích là để Nhà nước bảo đảm rằng doanh nghiệp đó sẽ sử dụng đất hiệu quả. Nhưng nếu doanh nghiệp mua đất qua đấu giá thì không cần làm thủ tục xin chủ trương đầu tư. Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định về điều kiện cấp phép tần số trong các Điều 19, 20, 21 trong trường hợp cấp phép qua phương thức đấu giá. Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện khi doanh nghiệp không sử dụng tần số trong hai năm (sửa đổi Điều 23). Quy định này cũng chỉ phù hợp với các doanh nghiệp được cấp phép tần số qua hình thức trực tiếp hoặc thi tuyển. Đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá thì quyền sử dụng tần số đã trở thành quyền tài sản của doanh nghiệp, do đó, việc thu hồi sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật. TS.Đậu Anh Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá. Lưu ý, cơ quan nhà nước vẫn có thể tiến hành thu hồi nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính để duy trì quyền sử dụng tần số, băng tần.

Về cam kết triển khai mạng viễn thông, dự thảo Luật bổ sung khoản 3, 4 vào Điều 20 về cấp giấy phép sử dụng băng tần. Theo đó, doanh nghiệp muốn được cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng viễn thông thì phải đáp ứng điều kiện: “Có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định tại khoản 4 Điều này”. Tuy nhiên, quy định về cam kết tại khoản 4 còn chưa bảo đảm rõ ràng, dễ gây ra các cách áp dụng khác nhau khi triển khai trên thực tế. Ví dụ như quy định: “Cam kết triển khai mạng viễn thông gồm một hoặc một số nội dung về…” sẽ không rõ trường hợp nào doanh nghiệp phải cam kết nhiều hơn một nội dung và các nội dung đó là gì. Quan trọng hơn, các quy định tại khoản 4 liên quan trực tiếp đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tinh thần của Luật Đầu tư, các quy định này cần thiết phải được quy định cụ thể ngay ở cấp luật hoặc nghị định. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định uỷ quyền cho Chính phủ hướng dẫn nội dung này, thay vì giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như tại dự thảo.

Về lượng băng tần tối đa với mỗi tổ chức, TS.Đậu Anh Tuấn khẳng định, việc bổ sung quy định về lượng băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng tối đa được cấp cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường, tránh tình trạng một doanh nghiệp thâu tóm tài nguyên tần số và trở thành độc quyền. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, quy định này cần được soạn thảo theo hướng nhằm tránh nguy cơ bị bóp méo trong quá trình thực thi, cụ thể như: Khi quyết định về lượng băng tần tối đa được cấp, cơ quan có thẩm quyền cần có báo cáo về hiện trạng và tác động cạnh tranh của các phương án chính sách, nhằm lựa chọn phương án tốt nhất. Để tránh tình trạng băng tần được cấp cho nhiều công ty nhưng các công ty này lại cùng một tập đoàn, cùng nhóm công ty thì vẫn không bảo đảm cạnh tranh, đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế quy định áp dụng cho nhóm công ty chứ không chỉ cho từng công ty đơn lẻ.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch tần số vô tuyến điện, theo TS.Đậu Anh Tuấn, Điều 12 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 đã có quy định trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch tần số thì có thể sẽ tiến hành thu hồi quyền sử dụng tần số đã cấp cho tổ chức, cá nhân nếu mục đích, đối tượng sử dụng tần số vô tuyến điện không còn phù hợp và có bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc điều chỉnh quy hoạch này không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức được cấp phép sử dụng tần số mà còn ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân khác đang sản xuất, kinh doanh hoặc đang sử dụng các thiết bị trong mạng thông tin vô tuyến điện đó. Ví dụ, trong thời gian vừa qua, việc điều chỉnh quy hoạch tần số dành cho truyền hình tương tự không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình mà còn ảnh hưởng đến những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và sử dụng các thiết bị thu hình có sử dụng tần số đó. Những quyết định điều chỉnh quy hoạch như vậy sẽ có tác động rất lớn đến xã hội và nền kinh tế, do đó cần được đưa ra một cách cẩn trọng hơn. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một chính sách về điều chỉnh quy hoạch tần số, trong đó hướng đến một số nguyên tắc và quy định như sau:

Nếu việc điều chỉnh quy hoạch tần số dẫn đến việc phải thu hồi các giấy phép sử dụng tần số đã cấp hoặc phải vứt bỏ, sửa chữa các thiết bị vô tuyến đang tồn tại trên thực tế, thì cần được lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động và nên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nhằm bảo đảm quá trình ra quyết định có đầy đủ sự tham gia của các bên liên quan. Việc điều chỉnh này cũng cần có lộ trình phù hợp, phụ thuộc vào thời gian khấu hao của loại thiết bị phải vứt bỏ, sửa chữa; đồng thời nghiên cứu thêm việc hỗ trợ chi phí chuyển đổi cho các chủ sở hữu thiết bị chịu tác động. Còn nếu việc điều chỉnh quy hoạch không dẫn đến việc phải thu hồi các giấy phép sử dụng tần số đã cấp hoặc vứt bỏ, sửa chữa các thiết bị vô tuyến đang tồn tại thì có thể được thực hiện nhanh chóng và thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông./.

Bích Lan

Các bài viết khác