Tham dự phiên họp có thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an… Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp các đại biểu đã nghe và thảo luận về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Theo báo cáo của Chính phủ, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2011/QH13 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, Chính phủ đã soạn thảo và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó có các điều khoản quy định chi tiết về công tác bảo vệ môi trường tại khu kinh tế và làng nghề. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định bảo vệ môi trường làng nghề. Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường khu kinh tế cũng được phối hợp thực hiện giữa nhiều bộ ngành ở nhiều địa phương trong cả nước.
Việc thực hiện đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, công tác hậu thẩm định đánh giá tác động môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các khi kinh tế và làng nghề được thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị cơ quan chuyên môn kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường và đầu tư đối với công tác bảo vệ môi trường.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, báo cáo chỉ rõ: sau gần 3 năm thực hiện, Chính phủ đã sớm đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 21 quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Việc xử lý các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã đạt được nhiều kết quả nhất định, có nhiều chuyển biến đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên khoáng sản, môi trường và cơ chế công khai thông tin khai thác, chế biến khoáng sản nhằm quản lý chặt chẽ tất cả các khu vực đã cấp phép thăm dò, khai thác trên phạm vi toàn quốc.
Các hoạt động đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường… cũng được tổ chức triển khai có hiệu quả.
Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH13 ngày 05/12/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, dù thời gian triển khai áp dụng chưa lâu nhưng Chính phủ cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long như triển khai xây dựng Luật khí tượng thủy văn; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Dự án Tăng cường năng lực thực hiện Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực tài nguyên môi trường cũng còn không ít những tồn tại như: nhiều văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm ban hành; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển giao công nghệ trong sản xuất kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường còn dàn trải; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đến các cán bộ quản lý môi trường địa phương chưa được quan tâm đúng mức; các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra thường xuyên đặc biệt là khai thác khoáng sản trái phép còn khó kiểm soát.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc hoàn thiện báo cáo với nhiều nội dung được trình bày cụ thể. Tuy nhiên, Phó trưởng ban Dân nguyện Trần Văn Minh cho rằng các kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong báo cáo của Chính phủ còn khá mờ nhạt. Báo cáo mới chỉ tập trung về việc xây dựng pháp luật mà thiếu các kết quả, số liệu thực hiện cụ thể trong một số nội dung như đánh giá tác động môi trường; kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; việc hỗ trợ chuyển đổi công nghệ; chuyển đổi nghề tại các khu làng nghề, khu công nghiệp; phân bổ kinh phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường…
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng báo cáo cần bám sát các nội dung yêu cầu được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, một số đại biểu tham dự phiên họp đề nghị, báo cáo cần làm rõ và bổ sung một số nội dung như trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện các nghị quyết; các giải pháp vừa đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường vừa giải quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế; công tác tuyên truyền cần được triển khai có trọng điểm…
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và các bên liên quan trong hậu giám sát thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, cập nhật thêm thông tin, bám sát các nội dung yêu cầu được nêu trong các nghị quyết để tiếp tục hoàn thiện báo cáo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.