Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật khí tượng thủy văn

24/06/2015

Chiều 24/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật khí tượng thủy văn. Quy hoạch mạng lưới khí tượng thủy văn; chất lượng dự báo, trách nhiệm của các tổ chức cơ quan, cá nhân trong hoạt động khí tượng thủy văn… là những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga - Nam Định                                                                                                      Ảnh: Đình Nam

Về việc hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới khí tượng thủy văn, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga - Nam Định đánh giá hệ thống tổ chức của ngành khí tượng thủy văn tương đối hoàn chỉnh theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương, nhưng do đặc thù của ngành khí tượng thủy văn và trong điều kiện biến đổi khí hậu sâu sắc như hiện nay, ngành khí tượng thủy văn cần điều chỉnh cho phù hợp về cơ chế quản lý. Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung những quy định về hệ thống tổ chức của ngành theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan nhà nước về khí tượng thủy văn đối với đơn vị sự nghiệp.

Phân tích thêm về vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Minh - Quảng Ninh cho rằng cùng với hệ thống tổ chức cần quan tâm tới việc quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu quốc gia, dự thảo Luật đã quy định khá rõ quy định của pháp luật về quản lý, khai thác các mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, trong đó có nội dung liên quan đến quy trình, mạng lưới. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới dừng lại ở mạng lưới các trạm và các nội dung mới liên quan đến mật độ, số lượng, vị trí, danh sách trạm, nội dung quan trắc thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu quốc gia mà không nêu rõ quy hoạch về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, các dự báo, cảnh báo, nguồn nhân lực kèm theo làm bó hẹp quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn.

Đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau                                                                                                                             

Liên quan đến thời gian quy hoạch công trình khí tượng thủy văn, đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau góp ý dự thảo Luật quy định quy hoạch công trình khí tượng thuỷ văn theo định kỳ 10 năm và rà soát là 5 năm như vậy là quá ngắn trong chu kỳ hoạt động bởi thiên nhiên đôi khi thay đổi bất thường, có những cơn bão chu kỳ 10 năm quay lại, nhưng cũng có những cơn bão chu kỳ tới trăm năm mới quay lại. Do đó, dự thảo Luật nên kéo dài quy hoạch công trình khí tượng thuỷ văn dài hơn.

Về việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong hoạt động khí tượng thủy văn, đại biểu Ngô Thị Minh - Quảng NinhĐỗ Văn Vẻ - Thái Bình cho rằng, dự thảo Luật cần nhấn mạnh vào việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong hoạt động khí tượng thủy văn; đồng thời khuyến khích các tổ chức, xã hội và cá nhân tham gia các hoạt động về quan trắc, dự báo, cảnh báo và sử dụng thông tin dữ liệu liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn. Đồng thời, dự thảo Luật cần bổ sung thêm trách nhiệm UBND các cấp hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn, tăng cường thu hút đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực này, đặc biệt những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo là vùng đặc thù.

Đại biểu Trần Văn Bản - Bình Định                                                                                                                                  

Về chất lượng tin dự báo khí tượng thủy văn, đại biểu Trần Văn Bản - Bình Định bày tỏ lo lắng, dù công tác dự báo khí tượng thuỷ văn đã được nâng cao, nhưng thực tế thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng dự báo không sát với thực tế. Đại biểu nhấn mạnh: “Dự thảo Luật phải quy định chặt chẽ việc dự báo khí tượng thuỷ văn, tránh tình trạng ngoài sân mưa ầm ầm nhưng trong nhà tivi dự báo trời nắng chang chang”.

Cũng đề cập tới chuyện dự báo sai, đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình cho rằng, dự thảo Luật chưa đề cập đến yêu cầu của chất lượng bản tin dự báo, mặc dù đây là nội dung quan trọng nhất trong công tác phòng chống thiên tại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cho biết, lâu nay chất lượng dự báo vẫn là nỗi bức xúc của người dân, dư luận. Không ít trường hợp dự báo sai gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây lãng phí lớn trong công tác di dời dân, ứng phó với bão, lụt.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình                                                                                                                                         

Không đồng tình với giải trình của ban soạn thảo khi cho rằng công tác dự báo thì không thể chính xác 100% và sẽ phải có sai lệch, đại biểu Phạm Thị Phương - Hà Tĩnh nhấn mạnh, dự báo có thể không chính xác hoàn toàn nhưng không thể sai lệch một cách nghiêm trọng. Mặt khác, hoạt động khí tượng thủy văn là hoạt động khoa học nên phải đảm bảo tính chính xác về cả về lý luận, thực tiễn do đó thông tin có kịp thời dễ hiểu mà có thiếu chính xác thì cũng không đem lại lợi ích.

Đại biểu Phạm Thị Phương cho rằng thời gian vừa qua, cơ quan dự báo đã nhiều lần dự báo bão sai, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản cho người dân. Trước thực tế này, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung nội dung thông tin dự báo phải chính xác, cấm cung cấp thông tin dữ liệu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn sai lệch gây thiệt hại về người và tài sản của người dân

Về quy định trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, cá nhân trong hoạt động khí tượng thủy văn, đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình và đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của dự báo viên trong trường hợp phát bản tin dự báo sai, không chính xác gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng tình về việc truy trách nhiệm cá nhân, tổ chức nếu dự báo sai, đại biểu Đặng Đình Luyến - Khánh Hòa đề nghị không ghi trách nhiệm của hệ thống quốc gia dự báo vì trách nhiệm chỉ gắn với tổ chức, cá nhân chứ không gắn với hệ thống.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại dự thảo Luật, nghiên cứu, hoàn chỉnh để đảm bảo bao quát tất cả những nội dung cần điều chỉnh để quy định thật đầy đủ và rõ, tránh trùng chéo với các quy định tại các luật chuyên ngành khác; tránh để thiếu sót các quy định cần thiết liên quan đến khí tượng thủy văn; hạn chế những nội dung giao Chính phủ hướng dẫn, bỏ điểm quét, đồng thời các quy định tại dự thảo Luật này cần phải gắn kết với các mục đích phát triển kinh tế, xã hội và mục đích quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, dự thảo Luật khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục được rà soát về nội dung và kỹ thuật lập pháp để hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Bảo Yến