Ảnh: Đình Nam
Dự án Luật khí tượng thủy văn đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 vừa qua. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 60 điều. Một số vấn đề lớn được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật gồm phạm vi điều chỉnh của Luật; về quản lý khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; về hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn và những nội dung xã hội hóa trong hoạt động khí tượng thủy văn; quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung tác động vào thời tiết, quản lý nhà nước được thể hiện tại Điều 1 của dự thảo Luật. Theo đó, luật quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quan trắc, dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; giám sát biến đổi khí hậu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; tác động vào thời tiết; quản lý nhà nước và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.
Về quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, dự thảo Luật đã làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu quốc gia với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường; với quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng; và cho phép tổ chức, cá nhân xây dựng quản lý và khai thác trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
Về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, dự thảo Luật đã bổ sung quy định rõ các hành vi bị cấm; đồng thời quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm tin cậy; cũng như quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế-xã hội.
Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng phân biệt rõ dịch vụ khí tượng thủy văn là dịch vụ công không vì mục đích lợi nhuận và là hoạt động có thu trên cơ sở thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật đầu tư về ngành nghề kinh doanh có điều kiện với hoạt động cung cấp dịch vụ dự báo khí tượng thủy văn và dự án Luật phí và lệ đang được Quốc hội xem xét để thông qua về một số mục thu phí và lệ phí đối với một số hoạt động khí tượng thủy văn.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung của dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng dự thảo Luật cần phải làm rõ những thông tin nào trong dự báo khí tượng thủy văn bắt buộc phải công bố, trách nhiệm của các bên trong việc vi phạm quy định bắt buộc công bố thông tin, cũng như quy định những thông tin nào có thể sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị giữa Luật tiếp cận thông tin và Luật khí tượng thủy văn, Luật an toàn thông tin cần phải có sự thống nhất, cần phải bảo đảm thông tin giữa cơ quan cung cấp, tức là nhà nước cung cấp cho người dân phải trung thực, khách quan, kịp thời, chính xác, phải bảo đảm tính thời sự.
Góp ý về nội dung của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự thảo Luật không nên sử dụng khái niệm xã hội hóa. Theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, Hiến pháp trao cho người dân quyền tự do kinh doanh đối với những ngành nghề mà pháp luật không cấm, nếu cấm thì sẽ quy định trong Luật đầu tư. Do đó, trong luật này nếu không cấm thì cũng không cần thiết quy định về việc xã hội hóa để giải phóng cho người dân đầu tư hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp cần có điều kiện để quản lý thì sẽ phải bổ sung điều kiện vào Luật đầu tư.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây.