Xác định rõ đối tượng, phạm vi và nội dung trong giám sát chuyên đề

22/10/2015

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại phiên họp toàn thể ngày 21/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết so với dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bổ sung quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát để giám sát chuyên đề phải xác định rõ đối tượng, phạm vi và nội dung giám sát. Thời hạn thông báo trước chương trình và thành phần Đoàn giám sát được nâng lên từ 07 ngày theo dự thảo cũ lên 10 ngày cho phù hợp.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại Hội trường                                                                   Ảnh: Đình Nam

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Nghĩa- TP. Đà Nẵng thẳng thắn chia sẻ hoạt động giám sát chuyên đề đối với các vấn đề bức xúc về kinh tế- xã hội của đất nước, địa phương trong thời gian qua được Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện đã có nhiều tiến bộ, đạt được nhiều kết quả nhất định, đem lại lòng tin cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay hiệu lực hoạt động giám sát này chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vẫn còn tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa", chưa đi sâu, đi sát để nắm tình hình, chưa đánh giá đúng thực trạng để có kết luận chính xác.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi- Phú Yên cho biết thêm, các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân về giám sát tại địa phương thành phần theo kế hoạch thường đầy đủ nhưng khi tham gia lại rất ít. Có những Đoàn giám sát số lượng đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia rất ít, mà chủ yếu mời các sở, các bộ, ngành liên quan nhiều. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi cho rằng như vậy mục đích, ý nghĩa của giám sát, hiệu quả pháp lý cũng như giá trị kết luận của Đoàn giám sát thường không cao.

Đại biểu Đỗ Văn Đương- TP.Hồ Chí Minh cho rằng, để giám sát chuyên đề không còn là hình thức cần bổ sung thêm một số phương thức để Đoàn giám sát thực hiện như: đoàn giám sát có trách nhiệm phải nghiên cứu trực tiếp hồ sơ tài liệu liên quan đến nội dung giám sát. Ngoài việc nghiên cứu hồ sơ, nghe báo cáo đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát là phải tự thanh tra, kiểm tra và thông báo lại cho đoàn giám sát biết được kết quả tự thanh kiểm tra đó. Đoàn giám sát có quyền gặp, hỏi những người có liên quan đến nội dung giám sát, đặc biệt là những người hay khiếu nại, tố cáo, cũng như phải trực tiếp xem xét tại chỗ và xem xét thực địa.

Đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu tại Hội trường

Nhằm nâng cao hiệu quả kết quả giám sát, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, phải bổ sung chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về kết luận giám sát, kết luận giám sát phải cụ thể, khách quan, trung thực, đúng hoạt động và vi phạm pháp luật của chủ thể bị giám sát. Kết luận giám sát đưa ra những kiến nghị và yêu cầu phải rõ ràng, có địa chỉ, đặt ra thời hạn cụ thể và phải có tính khả thi.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Thị Kim Chi đề nghị phải có quy định chặt chẽ hơn, có tính ràng buộc về pháp lý để khi kế hoạch đã ban hành phải sắp xếp thời gian tham gia đúng thành phần của đoàn giám sát để đem lại hiệu quả cao hơn.

Về kết quả, hiệu quả pháp lý sau giám sát chuyên đề đại biểu Trương Văn Vở- Đồng Nai đề nghị rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định rõ và nhất quán trong luật việc ban hành nghị quyết sau giám sát, không nên quy định có thể hoặc khi xét thấy cần thiết để ban hành nghị quyết sau giám sát như trong dự thảo. Đồng thời, cần quy định thống nhất nội dung nghị quyết sau giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhằm tránh tình trạng cùng nội dung nghị quyết sau giám sát, chuyên đề giám sát, chất vấn, trả lời chất vấn nhưng hiệu quả pháp lý sau giám sát lại khác nhau.

Đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu tại Hội trường

Về lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề, đại biểu Đặng Thuần Phong- Bến Tre nhận định việc lựa chọn chuyên đề giám sát là vấn đề quan trọng, phải có căn cứ, phải dựa vào ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến đề xuất của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, thậm chí thông tin từ báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Việc ưu tiên lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát cũng cần có tiêu chí để phân loại, đánh giá và giao thẩm quyền thực hiện. Do đó, đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị, vấn đề này nên quy định chặt chẽ trong luật và giao thẩm quyền này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp.

Bảo Yến