Thực trạng tổ chức bầu cử hiện nay

18/03/2016

Chiều 18/3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Thực trạng tổ chức bầu cử ở nước ta, những mặt được, hạn chế, nguyên nhân hạn chế và những kiến nghị”. Nội dung được thảo luận tại Hội thảo là một phần quan trọng trong Đề tài nghiên cứu khoa học của các cơ quan của Quốc hội về “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế độ bầu cử ở nước ta phù hợp với Hiến pháp mới”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện, trường đại học tại Hà Nội , đại biểu Quốc hội cùng các cán bộ Văn phòng Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến phát biểu tại hội thảo

Trình bày về nội dung nghiên cứu bước đầu về thực trạng chế độ bầu cử ở nước ta, đại diện ban chủ nhiệm đề tài cho biết, chế độ bầu cử ở nước ta được hình thành và phát triển sau cách mạng tháng Tám năm 1945, gắn với sự ra đời, trưởng thành của chính quyền dân chủ nhân dân qua các giai đoạn cách mạng. Mỗi giai đoạn được đánh dấu bằng một bản Hiến pháp mới, tiếp đó là các văn bản pháp luật, trong đó có pháp luật về bầu cử được ban hành. Văn bản sau có những đổi mới, tiến bộ, hoàn thiện hơn văn bản trước, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cụ thể hơn, phát huy dân chủ nhiều hơn để tiến hành các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đạt kết quả tốt đẹp.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong các cuộc bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập đúng trình tự, thủ tục, thời gian, số lượng và thành phần góp phần triển khai các công tác bầu cử kịp thời, bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử theo quy định hiện này còn tồn tại một số hạn chế như thành phần của các tổ chức phụ trách bầu cử chưa có sự tham gia của đại diện khối cơ quan tư pháp, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia đều hoạt động kiêm nhiệm được cho là chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của cuộc bầu cử khách quan, công bằng và bình đẳng.

Theo báo cáo nghiên cứu bước đầu của đề tài, hiện nay việc phân chia đơn vị bầu cử còn một số hạn chế như số lượng dân cư (cử tri) trong nhiều đơn vị bầu cử không đồng đều, số lượng đại biểu được ấn định cho một đơn vị bầu cử cũng khác nhau, số người ứng cử trong đơn vị bầu cử cũng chênh lệch nhau về điều kiện, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, bình đẳng trong bầu cử. Những khác biệt đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử công bằng giữa các ứng viên. Như đơn vị bầu cử được bầu 2, số người ứng cử là 4 thì cơ hội trúng cử sẽ khó khăn hơn đơn vị được bầu 3, số người ứng cử là 5.

Ngoài ra, tình trạng bố trí người ứng cử về ứng cử ở đơn vị bầu cử còn do cảm tính, thiếu khách quan, hoặc bố trí những người ứng cử trong cùng một đơn vị bầu cử có sự chênh lệch về các tiêu chí… cũng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Những vấn đề này cần được nghiên cứu, khắc phục.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá một cách khái quát và tương đối đầy đủ các nội dung của chế độ bầu cử từ công bố ngày bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; về tiêu chuẩn đại biểu; về tổ chức phụ trách bầu cử; về đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu; cơ cấu, thành phần, phân bổ đại biểu; lập danh sách cử tri; về hiệp thương giới thiệu người ứng cử; về tuyên truyền, vận động bầu cử; về bỏ phiếu, kiểm phiếu, xác định kết quả bầu cử; đến công bố kết quả bầu cử; xác nhận tư cách đại biểu trúng cử và giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm.

Các đại biểu cho rằng bên cạnh việc đánh giá quy định của pháp luật, nghiên cứu cần đi sâu tìm hiểu và đánh giá thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về bầu cử. Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An chỉ ra rằng, thực tiễn trong các kỳ bầu cử vừa qua, tình trạng bầu hộ, bầu thay diễn ra rất phổ biến. Điều này không phản ánh được thực chất của kết quả bầu cử, không phản ánh được ý chí, nguyện vọng của cử tri trong việc lực chọn người đại diện cho mình. Vì vậy, nghiên cứu cần tìm hiểu và tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 sắp diễn ra, những nghiên cứu sâu về thực tiễn triển khai bầu cử qua đó đưa ra những kiến nghị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, tính dân chủ trong bầu cử ở nước ta.

Tin và ảnh: Bảo Yến