Tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật của người thi hành công vụ

24/09/2016

Sáng 24/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật                                                                    Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua 6 năm thi hành,Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thiệt hại được bồi thường chưa được cập nhật nên không đầy đủ, thiếu đồng bộ bởi những thay đổi trong quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và các quy định trong các bộ luật, luật mới ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp 2013; chưa xác định rõ ràng việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong nhiều tình huống, gây khó khăn cho việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường cũng như trong việc thực hiện yêu cầu bồi thường, dẫn tới tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường…Vì thế, việc sửa đổi toàn diện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nướcnăm 2009 là cần thiết.

Ngày 20/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến vào dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cơ bản giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu nhất trí với phương án giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành, theo đó chỉ có một loại cơ quan là Cơ quan giải quyết bồi thường, tương tự như Cơ quan có trách nhiệm bồi thường của Luật hiện hành. Theo các đại biểu, quy định cơ quan gây thiệt hại đồng thời là cơ quan giải quyết bồi thường phản ánh đúng quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có hành vi gây thiệt hại thì có trách nhiệm giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường của mình. Quy định như vậy gắn trách nhiệm bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Hơn nữa, lý do thu gọn đầu mối chưa thực sự thuyết phục, bởi vì việc thu gọn đầu mối không dẫn tới giảm bớt tổ chức bộ máy, biên chế. Trên thực tế, các cơ quan, tổ chức đó vẫn tồn tại, thậm chí quy định thu gọn đầu mối như dự thảo có khả năng sẽ làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy, con người do cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện phải giải quyết việc bồi thường của cơ quan cấp dưới.

Các đại biểu cũng tán thành với việc xác định cụ thể cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực ngay trong dự thảo Luật và cho rằng quy định này về cơ bản đã pháp điển hóa được các quy định liên quan đến “cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại” được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn, phân biệt rõ trường hợp nào thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tránh dẫn đến trường hợp một vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc thẩm quyền của 2 cơ quan.

Tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật của người thi hành công vụ

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đa số các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành quy định của dự thảo Luật theo hướng tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, thay mặt Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc về mức bồi hoàn cụ thể để một mặt bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ, mặt khác không tạo tâm lý e ngại của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp                                        Ảnh: Đình Nam

Về căn cứ xác định mức hoàn trả, giảm mức hoàn trả, các đại biểu tán thành với việc không quy định yếu tố “điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ” là căn cứ để xác định mức hoàn trả, tuy nhiên, để không tạo áp lực cho cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, các đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung yếu tố này vào điều kiện giảm mức hoàn trả.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ Quyết định hoàn trả có phải là quyết định hành chính không, nếu là quyết định hành chính thì người thi hành công vụ phải có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định đó theo quy định của pháp luật.

+ Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ 2.

Vân Ngọc