Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Về phía các địa phương có Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế.
Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 24
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị cho phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 24 để thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An, Hòa Bình và việc sắp thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.
Sau sắp xếp giảm 02 đơn vị hành chính cấp huyện và 182 đơn vị hành chính cấp xã của 10 tỉnh
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Giang có 15/195 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp và tỉnh dự kiến sắp xếp 03/15 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 01 đơn vị liền kề liên quan. Sau sắp xếp hình thành 02 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 02 đơn vị.
Đối với tỉnh Phú Thọ, dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 39/40 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 41 đơn vị liền kề liên quan. Sau sắp xếp, hình thành 28 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 52 đơn vị.
Tỉnh Hà Nam dự kiến sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 6/6 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp và 06 đơn vị liền kề và thuộc diện khuyến khích sắp xếp; đồng thời đề nghị thành lập thị trấn Tân Thanh thuộc huyện Thanh Liêm và thành lập thị xã Duy Tiên trên cơ sở nguyên trạng huyện Duy Tiên. Sau sắp xếp, hình thành 05 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 07 đơn vị.
Tỉnh Quảng Ninh có 01 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp là huyện đảo Cô Tô nhưng đề nghị không sắp xếp bởi đây là huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó, đề nghị nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, thành lập phường Hoành Bồ trên cơ sở nâng nguyên trạng thị trấn Trới huyện Hoành Bồ. Đối với đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sắp xếp 9/9 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 07 đơn vị liền kề liên quan. Sau sắp xếp, hình thành 07 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện và 09 đơn vị hành chính cấp xã.
Tỉnh Nghệ An dự kiến sắp xếp 39/480 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 16/17 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 04 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 19 đơn vị liền kề liên quan. Sau sắp xếp, hình thành 19 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 20 đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh
Tỉnh Quảng Trị đề nghị chưa thực hiện sắp xếp 02 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp gồm huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị; đối với đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến sắp xếp tổng số 33/141 đơn vị, trong đó sắp xếp 23/32 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 10 đơn vị liền kề liên quan. Sau sắp xếp, hình thành 17 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 16 đơn vị.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến sắp xếp 14 đơn vị hành chính cấp xã trong đó có 7/7 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 07 đơn vị liền kề liên quan. Sau sắp xếp, hình thành 07 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 07 đơn vị.
Tỉnh Lâm Đồng dự kiến sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 6/6 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 03 đơn vị liền kề liên quan và 01 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp. Sau sắp xếp, hình thành 05 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 05 đơn vị.
Tỉnh Đồng Tháp dự kiến sắp xếp 02 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 01 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 01 đơn vị liền kề liên quan. Sau sắp xếp, hình thành 01 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 01 đơn vị.
Tỉnh Long An dự kiến sắp xếp 08 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuến khích sắp xếp và chưa sắp xếp 01 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Sau sắp xếp, hình thành 04 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 04 đơn vị.
Tỉnh Hòa Bình dự kiến sắp xếp 02 đơn vị hành chính cấp huyện và 106 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, hình thành 01 đơn vị hành chính cấp huyện mới, giảm 01 đơn vị và hình thành 47 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 59 đơn vị.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà trao đổi về một số ý kiến nghiên của Thường trực Ủy ban Pháp luật
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính. Ủy ban Pháp luật ghi nhận kết quả sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh này sẽ giảm được 02 đơn vị hành chính cấp huyện và 182 đơn vị hành chính cấp xã.
Qua xem xét hồ sơ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết số 32/NQ-CP. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của các tỉnh.
Tập trung chỉ đạo, quyết tâm thực hiện nghiêm túc chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính của Đảng
Bên cạnh đó, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, đại diện lãnh đạo các tỉnh có thêm giải trình về việc số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng Chính phủ đề nghị chưa thực hiện sắp xếp là khá nhiều, đề nghị giải trình rõ hơn về phương án lộ trình cụ thể thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030. Trường hợp nhập đơn vị nông thôn vào đô thị để hình thành đô thị, đề nghị các tỉnh có giải trình về phương án, giải pháp đầu tư, phát triển đô thị trong tương lại để các phường, thị trấn mới thành lập đạt tiêu chí của đô thị cùng loại. Một số phương án điều chỉnh đơn vị hành có tác động phức tạp trong quản lý đất đai và dân cư tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp song lại chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng đề nghị Chính phủ, các địa phương làm rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, các ý kiến giải trình của các địa phương và qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quyết tâm chính trị của Chính phủ và các tỉnh trong thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh như trong các Đề án cũng như các ý kiến giải trình bổ sung của Chính phủ và các địa phương; đồng thời nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và xem xét quyết định.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh nỗ lực quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các đơn vị hành chính mới được sắp xếp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các đề án của các địa phương còn lại để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 12/2019. Đồng thời tăng cường chỉ đạo các địa phương tiếp tục quán triệt và nghiêm túc, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sớm có đề nghị về việc thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tại các đơn vị được sắp xếp để tiến hành đồng thời với sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính./.