ỦY BAN PHÁP LUẬT TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ VIỆC TẠM GIỮ, TỊCH THU PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

13/12/2019

Chiều ngày 12/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “Tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính”.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên giải trình còn có Thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, đại diện thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Bùi Thanh Tùng, đại diện lãnh đạo công an Tp.Hà Nội, Tp.Hải Phòng, tỉnh Bình Dương cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông đường bộ

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong đó có tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính là một trong những biện pháp ngăn chặn bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo thực tế, từ sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực, công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật liên quan đến tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung và bảo đảm quyết định xử phạt được thi hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoành Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế triển khai thi hành các quy định pháp luật về tạm giữ tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế vướng mắc xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan được các Bộ ngành địa phương báo cáo và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhất là về trình tự, thủ tục tạm giữ, tịch thu; việc quản lý, bảo quản, xử lý phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; xử lý các vấn đề phát sinh  liên quan đến phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trước tình hình đó, Ủy ban Pháp luật quyết định tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng  nhấn mạnh, mục đích của phiên giải trình là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, thành viên của Ủy ban Pháp luật, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành liên quan cùng xem xét, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính, những kết quả đạt được cần tiếp tục phát huy, những vấn đề còn vướng mắc và trách nhiệm của các cơ quan. Từ đó, tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp cần thiết để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, nâng cao hiệu lực hiệu quả áp dụng biện pháp tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông đường bộ theo thủ tục hành chính. Đồng thời, kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan mà trước hết là phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Tại phiên giải trình, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc và  báo cáo tình hình tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh báo cáo giải trình một số nội dung liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng đã trao đổi một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật, báo cáo của các cơ quan và khảo sát thực tế tại một số địa phương về việc tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, Công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ 4.298.097 phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có 248.938 ô tô và 3.959.404 mô tô và 89.755 phương tiện khác.

Bộ Công an đã tích cực chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương sắp xếp, bố trí nơi tạm giữ phương triện giao thông đường bộ bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn. Tuy nhiên, thực tế hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ, kho bãi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tạm giữ, bảo quản. Việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải. Tại nhiều địa phương, nơi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện an toàn.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, tính đến tháng 9/2019, tại Công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng  136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được. Trong đó, có 116.782 phương tiện thuộc sở hữu cá nhân, 320 phương tiện thuộc sở hữu của tổ chức và 19.887 phương tiện chưa xác định được chủ sở hữu. Trong số các phương tiện tồn đọng thì có 99.983 phương tiện còn sử dụng được và 37.006 phương tiện đã hư hỏng.

Chỉ rõ một số khó khăn trong tổ chức thực hiện, bên cạnh tình trạng quá tải tại các nơi tạm giữ phương tiện của Công an các đơn vị, địa phương, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm, quy định về thủ tục thanh lý còn phức tạp, việc bán đấu giá phương tiện mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp phương tiện tịch thu có giá trị thập, sau khi bán đấu giá thì số tiền thu được không đủ trừ chi phí để chi trả cho việc thực hiện các thủ tục giám định, định giá, thuê vận chuyển, bảo quản và chi phí cho việc tiêu hủy khi phương tiện không thanh lý được hoặc không có giá trị sử dụng.

Sớm tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan

Tại phiên giải trình, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề và đề nghị các cơ quan hữu quan có giải trình cụ thể như  trong quy định về các trường hợp bị tạm giữ phương tiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng quy định phạm vi rộng các trường hợp tạm giữ phương tiện là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trạng quá tải, ùn ứ phương tiện tại các kho bãi tạm giữ phương tiện. Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang và Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm rõ vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho biết trong lần sửa đổi này, vấn đề nêu trên có được đặt ra hay không và được quy định như thế nào trong dự thảo Nghị định.

Bên cạnh đó, thảo luận tại phiên giải trình các đại biểu cũng đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tích cực của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan hữu quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải theo thủ tục hành chính. Nhìn chung các văn bản pháp luật và hướng dẫn thi hành liên quan đến vấn đề này được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính này.

Trong quá trình triển khai thi hành, lãnh đạo Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Song qua báo cáo và thực tiễn giám sát cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định của pháp luật trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, Nghị định 115/2013/NĐ-CP và một số thông tư liên quan có cách hiểu và áp dụng không thống nhất, một số quy định không còn phù hợp với thực tế.

Trong công tác thi hành pháp luật thì còn một số vấn đề nổi lên như nhiều địa phương chưa bố trí được điểm trông giữ theo quy định dẫn tới phương tiện bị tạm giữ không được bảo quản hợp lý gây xuống cấp. Việc xử lý tài sản quá thời hạn tạm giữ, quản lý phương tiện sau tịch thu chưa được thực hiện kịp thời. Tình trạng phương tiện không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không xác định được chủ sở hữu hoặc người sử dụng. Kinh phí quản lý bảo quản, chi phí tiêu hủy có những bất cập. Trong thực hiện giao phương tiện, đặt tiền bảo lãnh còn những vướng mắc về trình tự thủ tục nên chưa thực hiện được nhiều.

Tại phiên giải trình, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, kịp thời chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông đường bộ theo thủ tục hành chính. Đề nghị Bộ Tư pháp có đề xuất sửa đổi cụ thể các quy định bất cập về tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị Bộ Giao thông vận tại sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP theo hướng bảo đảm chi tiết, cụ thể theo nguyên tắc việc tạm giữ phải bảo đảm chấm dứt ngay sau khi hành vi vi phạm không còn nguy hiểm cho xã hội. Đề nghị Bộ Công an sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 115/2013/NĐ-CP, trong đó lưu ý phương án xử lý tài sản là phương tiện giao thông vận tải đường bộ bị tịch thu theo thủ tục hành chính hiệu quả; nên có hướng xử lý hiệu quả, triệt để tình trạng ún ứ phương tiện bị tạm giữ tại các kho bãi; bảo đảm kho bãi tạm giữ phương tiện; phân cấp phê duyệt phương án xử lý phương tiện sau tịch thu…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận phiên họp 

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận phiên giải trình đã hoàn thành chương trình đề ra, kết quả của phiên giải trình có ý nghĩa thiết thực giúp Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan trong quá trình triển khai chức năng nhiệm vụ. Bên cạnh đó phiên giải trình cũng làm rõ hơn các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập của các quy định của pháp luật và việc thực thi pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông đường bộ theo thủ tục hành chính. Từ đó có kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, là cơ sở quan trọng để xem xét sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh