Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, phiên giải trình là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, thành viên của Ủy ban Pháp luật, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành liên quan cùng xem xét, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính, những kết quả đạt được cần tiếp tục phát huy, những vấn đề còn vướng mắc và trách nhiệm của các cơ quan. Từ đó, tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp cần thiết để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, nâng cao hiệu lực hiệu quả áp dụng biện pháp tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông đường bộ theo thủ tục hành chính. Đồng thời, kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan mà trước hết là phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên giải trình.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tình hình tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh báo cáo giải trình một số nội dung liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trao đổi một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật, báo cáo của các cơ quan và khảo sát thực tế tại một số địa phương về việc tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng quy định phạm vi rộng các trường hợp tạm giữ phương tiện là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trạng quá tải, ùn ứ phương tiện tại các kho bãi tạm giữ phương tiện.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm rõ vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho biết trong lần sửa đổi này, vấn đề nêu trên có được đặt ra hay không và được quy định như thế nào trong dự thảo Nghị định.
Thảo luận tại phiên giải trình, các đại biểu cũng đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tích cực của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan hữu quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải theo thủ tục hành chính.
Trước hiện tượng hầu hết xe mô tô cũ nát, không đủ điều kiện lưu hành khi bị tạm giữ đã không được người sử dụng đến nhận lại, một số đại biểu đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã có quy định về niên hạn chưa, nhất là đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự chưa?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại phiên họp.
Giải trình về những vấn đề các đại biểu đưa ra, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, các nhóm hành vi vi phạm hành chính được xác định phải tạm giữ do gây nguy hiểm cho xã hội hiện hành đều có tính chất rất nguy hiểm, nên không thể thu hẹp khi nghiên cứu sửa đổi Nghị định 46.
Đại diện Bộ Công an cũng cho rằng, những hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 46 nhìn chung đều cần tiến hành tạm giữ mới xử lý được, tránh gây nguy hiểm cho những người khác cùng tham gia lưu thông trên đường, thậm chí giúp bảo đảm an toàn cho chính đối tượng điều khiển phương tiện đó.
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận phiên giải trình đã hoàn thành chương trình đề ra, kết quả của phiên giải trình có ý nghĩa thiết thực giúp Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan trong quá trình triển khai chức năng nhiệm vụ.