Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức hữu quan cùng các thành viên Ủy ban.
Trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và 2016. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã góp phần thống nhất chính sách về quản lý thuế, trên cơ sở đó công tác quản lý thuế đã được thay đổi theo cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế; xác định rõ nhiệm vụ quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý thuế; tạo ra sự đồng bộ nâng cao tính minh bạch đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thuế nói chung và quy định pháp luật về quản lý thuế còn có những hạn chế nhất định. Việc thường xuyên bổ sung, sửa đổi văn bản luật đã ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế; chưa có sự thống nhất trong các văn bản quy định pháp luật về quản lý thuế. Phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế chưa bao quát hết các khoản thu khác trong ngân sách nhà nước, hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình hoặc khi vực kinh tế phi chính thức chưa được quy định đầy đủ. Một số quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, nguyên tắc quản lý thuế, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, quy định về quản lý hành chính…chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng. Những hạn chế, bất cập về chính sách nói trên cùng với cơ chế nặng về thủ tục hành chính, cũng như tính chất phức tạp của kinh tế thị trường, tính chất nhạy cảm trong công tác quản lý thuế đã ảnh hưởng đến việc tuân thủ quy định về thuế và quản lý thuế.
Qua rà soát, Chính phủ nhận thấy, có đến 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều luật. Mặt khác có nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như nguyên tắc quản lý, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế…cần được bổ sung, sửa đổi.
Vì vậy, Chính phủ cho rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý thuế (sửa đổi), mục đích, quan điểm sửa đổi Luật. Cơ bản đồng tính với nhiều nội dung trong Tờ trình và Dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bổ sung nhiều nội dung có sự đổi mới, tính khoa học, hướng đến thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản và cập nhật với tình hình và xu thế phát triển mới để đáp ứng yêu cầu về quản lý kinh tế- tài chính, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Đinh Văn Nhã chia sẻ, cách đây 10 năm khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế đã tạo ra cuộc cách mạng lớn trong công tác quản lý thuế từ việc cơ quan quản lý thuế phải làm thông báo thuế để nhắc nộp thuế một cách thủ công, tốn kém chi phí thay bằng việc tự kê khai, tự nộp – một phương pháp hiện đại, tiết kiệm. Đến nay sau 10 năm, lần này tập trung sửa đổi căn bản Luật với nhiều quy định mới nếu được thông qua sẽ lại tạo ra cuộc cách mạng thứ 2 trong quản lý thuế, tạo ra hiệu quả về hành thu, hiệu suất thu, thay đổi hành vi quản lý với quy định thay hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, do nội dung sửa đổi luật khá rộng, bổ sung nhiều nội dung mới phức tạp, quan trọng, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn trong Tờ trình các nội dung mới, so sánh những tiến bộ của các quy định mới và lý do loại bỏ những quy định không còn phù hợp trong luật để đại biểu Quốc hội có căn cứ xem xét cho ý kiến. Đồng thời cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với các luật chuyên ngành như Luật Kiểm toán, Luật Kế toán, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Doanh nghiệp…; đề nghị chú trọng báo cáo đánh giá tác động chính sách và tác động thủ tục hành chính đặc biệt là những quy định chính sách mới, những vấn khó, trừu tượng như giao dịch liên kết chống chuyển giá.
Ngoài ra tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng cho ý kiến về các nội dung cụ thể trong dự thảo luật như nguyên tắc quản lý thuế; xây dựng lực lượng quản lý thuế; nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; về khai bổ sung hồ sơ khai thuế; về ấn định thuế; khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ; về tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế; các biện pháp chống chuyển lợi nhuận và xói mòn nguồn thu…
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến phát biểu tại phiên họp, các nội dung giải trình thêm của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra về dự án luật này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 dự kiến diễn ra từ ngày 10-21/9 tới.