CẦN CÓ SỰ THAM GIA CỦA TOÀN DÂN VÀO SỰ NGHIỆP PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

08/09/2018

Thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng(sửa đổi) tại Hội nghị chuyên trách ngày vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Dự Luật cần thể hiện đầy đủ hơn sự tham gia của toàn dân vào sự nghiệp phòng, chống tham nhũng.

Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội nghị chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đánh giá, Luật Phòng, chống tham nhũng là dự án luật khó, bởi vì Luật điều chỉnh lĩnh vực rất khó và phức tạp, đồng thời có nhiều chính sách, những điểm mới và đang có ý kiến khác nhau. Luật giải quyết xung đột về tính pháp lý với yêu cầu vì sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Luật đang  thiếu hành lang pháp lý, nhất là các bộ luật còn chưa đồng bộ để thiết kế các nội dung trong dự thảo luật này. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng được nhân dân đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, mong muốn tạo được hành lang pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Dự luật cần thể hiện đầy đủ hơn tham gia của toàn dân vào sự nghiệp phòng chống tham nhũng

Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Quảng Trị và một số đại biểu đóng góp ý kiến vào Điều 5 quy đinh trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội cho rằng, điều luật này thể hiện rõ quan điểm phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân và dựa vào dân. Tinh thần này hoàn toàn đúng, hay nói cách khác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân, nhân dân thực hiện trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của mình trong phòng, chống tham nhũng bằng biện pháp trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện hợp pháp của mình tham gia. Trong thực tế, một số tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân được tổ chức hợp pháp và tổ chức này đại diện quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, hội viên và được pháp luật quy định. Song vì những lý do nào đó các tổ chức này chưa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì thế đại biểu đề nghị cần mở rộng phạm vi tham gia cho tất cả các tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân, không chỉ là các thành viên của Mặt trận mà có thể có cả tổ chức khác chưa là thành viên Mặt trận nhưng được tổ chức hợp pháp và đại diện quyền chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên thì vẫn được tham gia và phải có trách nhiệm để tham gia vào sự nghiệp phòng, chống tham nhũng này. Như thế thì Luật sẽ thể hiện đầy đủ hơn tham gia của toàn dân vào sự nghiệp chung này. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung Điều 5 thành trách nhiệm của Mặt trận, tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội. Đồng thời, tại điều này nên tách quy định về cơ quan báo chí thành một điều luật riêng, không nhập chung vào các chủ thể khác là Mặt trận, đoàn thể và nhân dân. Cần quy định rõ về trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của các cơ quan báo chí đối với phòng, chống tham nhũng. Vì thực tế hiện nay các cơ quan báo chí đã đóng góp rất lớn cho việc đấu tranh, phát hiện, kiến nghị, xử lý các vụ việc tham nhũng trong thời gian qua. 

Mặt khác, hoạt động tác nghiệp của báo chí khi tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng có đặc thù riêng, nên cần có điều luật riêng để quy định cho phù hợp. Điều này vừa đảm bảo quy định phù hợp với hoạt động của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời thể hiện tư tưởng đề cao vai trò quan trọng của giới truyền thông, của báo chí.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội nghị

Công khai báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang- Quảng Ngãi, về công khai báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng quy định tại Điều 16, Dự thảo quy định là Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và tính độc lập giữa cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, đồng thời phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, đại biểu đề nghị không quy định Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Chính phủ để báo cáo với Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng nước mà nên thực hiện báo cáo độc lập. Đại biểu đề nghị nghiên cứu giao cho một cơ quan của Quốc hội tổng hợp công tác phòng, chống tham nhũng trong cả nước.

Cũng theo đại biểu phân tích, quy định tại khoản 5, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và phương tiện thông tin đại chúng. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tính khả thi của quy định công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; nên quy định công khai báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan liên quan như cơ quan dân cử, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, điều tra như của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và công an thì sẽ phù hợp hơn.

Hồ Hương