KHẢO SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

31/07/2019

Tiếp tục chương trình khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại trong Bộ luật Tổ tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính, tình hình thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án phục vụ thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, sáng 31/7, Đoàn khảo sát đã có buổi làm việc với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật.

Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh, Giám đốc các Trung tâm Hòa giải của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, cùng các hòa giải viên, đối thoại viên và các thành viên Đoàn khảo sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật phát biểu tại buổi làm việc với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

Mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Để phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự án luật này, thời gian qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành khảo sát tại thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình nhằm nắm bắt tình hình thực hiện hòa giải, đối thoại tìm ra những điểm mới, ưu việt của hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước tố tụng so với trong tố tụng, có giải pháp hoàn thiện dự án Luật. Tiếp tục chương trình khảo sát, Đoàn làm việc với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để có thêm thông tin về cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc thực hiện cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có thêm cơ sở để thuyết minh cho sự cần thiết ban hành Luật.

Báo cáo trước Đoàn khảo sát, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính nêu rõ, thực hiện Kế hoạch số 301/KH-TANDTC ngày 01/10/2018 của Tòa án nhân dân tối cao về việc tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại một số tỉnh, thành phố, ngày 01/11/2018, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định thành lập 16 Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân các quận, huyện.

Hiện nay tổng số hòa giải viên, đối thoại viên ở 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Hà Nội là 85 người là những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên đã nghỉ hưu và các luật sư. Đây đều là những người có năng lực, trình độ, được đào tạo đúng chuyên ngành và nhiệt tình công tác.

Tính đến tháng 6/2019, 16 Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 7.811 đơn đủ điều kiện giải quyết tại trung tâm, đã giải quyết 6.725 đơn. Trong đó, hòa giải, đối thoại thành 4.418 vụ việc, chiếm 65,70% tổng số đơn đã giải quyết. Điều này góp phần giảm tải đáng kể số lượng đơn mà Tòa án và các cơ quan tổ tụng phải giải quyết, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, tạo đồng thuận.

 Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính báo cáo trước Đoàn khảo sát

Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn, tỷ lệ hòa giải thành trong hoạt động tố tụng đối với các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại còn chưa cao; tỷ lệ đối thoại thành đối với việc giải quyết án hành chính còn rất thấp; tổng số đơn còn phải giải quyết tại các Trung tâm hòa giải, đối thoại còn tương đối lớn.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thực trạng này xuất phát từ đặc thù các vụ án Tòa án phải giải quyết rất phức tạp, số lượng án phải giải quyết ngày càng tăng trong khi biên chế hạn chế. Hơn nữa, nhận thức của người dân, doanh nghiệp và một số cơ quan nhà nước về hòa giải, đối thoại còn hạn chế, chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc hòa giải, nhiều khi người dân không hợp tác với hòa giải viên, đối thoại viên hoặc làm đơn không tổ chức hòa giải.

Đồng thời, khi triển khai thực hiện thí điểm thì hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác hòa giải, đối thoại chưa đầy đủ, chưa có luật riêng nên chưa thống nhất về quy trình tiến hành hòa giải, biểu mẫu áp dụng nên quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thống nhất như thẩm quyền, hình thức tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, xem xét thẩm định tại chỗ,

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một số quy định của pháp luật còn bất cập, chưa rõ ràng; bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm xem xét thông qua Luật nhằm giảm áp lực đối với tòa án, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trao đổi tại buổi làm việc

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong hoạt động của ngành Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, các thành viên Đoàn khảo sát cho rằng công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân các cấp của Hà Nội thực hiện rất tốt, tỷ lệ hòa giải thành đạt cao, nghiêm túc, cầu thị khắc phục những vấn đề phát sinh, phối hợp giữa Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân cũng như các cơ quan hữu quan.

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cung cấp thêm số liệu, làm rõ những khó khăn trong giải quyết các vụ việc của hòa giải viên, kinh nghiệm rút ra từ những vụ việc hoàn giải thành công, làm rõ những đề xuất liên quan đền trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án, vấn đề kinh phí chi trả cho các hòa giải viên, đề xuất xây dựng mô hình Trung tâm Hòa giải tại Tòa án như thế nào cho hợp lý…

Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp làm việc với Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy về cùng nội dung./.

Bảo Yến