Toàn cảnh hội nghị
Ngày 26/11/2015, Quốc hội ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 thay thế Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2014. Việc ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã khắc phục được một số mặt hạn chế, bất cập trước đây của Pháp lệnh như: đã quy định cụ thể hơn về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về điều tra viên, cán bộ điều tra…
Việc Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự ra đời đã góp phần vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm vi phạm. Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, trong hoạt động tố tụng hình sự, thì điều tra vụ án hình sự có vai trò rất quan trọng, đây là cơ sở ban đầu cho các giai đoạn tố tụng hình sự tiếp theo.
Hội thảo với 9 chuyên đề các đại biểu quốc hội cùng các đại biểu của các bộ nghành trao đổi, thảo luận kỹ hơn để “Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự” hoàn thiện hơn khi đi vào thực tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu của các đơn vị, các Bộ nghành liên quan như Công An, Quân đội, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm… đã báo quá trình triển khai thực hiện. Nhìn chung công tác chỉ đạo, triển khai Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã được tiến hành một cách nghiêm túc. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đã được ban hành kịp thời, để đưa các quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự vào thực tiễn đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác điều tra hình sự.
Về những khó khăn vướng mắc trong đề án, nhiều ý kiến cho rằng biên chế của Cơ quan điều tra nói chung hiện nay rất thiếu. Đặc biệt là đặt trong bối cảnh thực hiện đề án tinh giản biên chế của Chính phủ hiện nay thì việc bổ sung biên chế cho cơ quan điều tra là một vấn đề rất được đáng quan tâm. Để khắc phục vấn đề này, Đại tá Nguyễn Thanh Trang - Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an kiến nghị: Cần rà soát biên chế các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, từ đó đề xuất vận dụng quy định tại khoản 2 điều 58 luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 để kéo dài tuổi nghỉ hưu cho các đồng chí điều tra viên có đủ điều kiện.
Tại hội thảo có ý kiến cho rằng, hiện nay cơ sở vật chất, trang bị phương tiện kỹ thuật của cơ quan điều tra, đặc biệt là cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát, còn thiếu thốn và lạc hậu.
Ông Nguyễn Tiến Sơn, Thủ trưởng cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thì cho rằng, cơ quan này cũng gặp một số khó khăn nhất định nhất là về kinh phí, về cơ sở vật chất nhất là trong công tác giám định.“Giám định hiện nay chủ yếu là các trung tâm giám định thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Riêng giám định âm thanh, hình ảnh chỉ có ở Bộ Công an, dẫn đến thời hạn giám định kéo dài và chưa đảm bảo tính khách quan trong trường hợp cần giám định lại”.
Các cơ quan cho rằng việc hạn chế về cơ sở vật chất ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hoạt động của cơ quan điều tra trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển, tội phạm ngày càng hoạt động tinh vi như hiện nay.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã có những trao đổi, thảo luận thẳng thắn cùng các đại biểu tại hội nghị. Những ý kiến về thuận lợi, khó khăn và kiến nghị rất cụ thể của các đơn vị và địa phương sẽ là những ý kiến rất quý báu với Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định: “Quá trình triển khai sau một năm từ văn bản pháp luật đến thực tiễn đã có những tác động rất tích cực, những khó khăn về thẩm quyền, về cơ cấu tổ chức bộ máy, về chế độ chính sách, công tác phối hợp… sẽ được Ủy ban tiếp thu nghiên cứu rà soát lại. Từ đó sẽ có phương án giải quyết để luật đi vào thực tiễn”.
Thực tế quá trình triển khai thi hành các quy định của luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cho thấy đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức cơ quan điều tra hình sự tập trung thống nhất, có sự phân công, phân cấp rành mạch; đảm bảo hoạt động điều tra hình sự được nhanh chóng, toàn diện không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội theo đúng mục tiêu cải cách tư pháp đặt ra.