GIÁM SÁT TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG LÝ TỰ TRỌNG

02/04/2019

"Nhà trường cần phát huy vai trò của Hội động trường trong việc định hướng, phát triển đào tạo trong tương lai..." là điểm nhấn mạnh của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng tại buổi làm việc với Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng vào ngày 02/4, liên quan đế việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo.

Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Tp.HCM là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc UBND Tp.HCM, thực hiện nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực: công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ... Đơn vị đã triển khai đào tạo các ngành theo Luật Giáo dục nghề nghiệp từ năm 2016, bước đầu đạt được những kết quả đáng kể. Đến nay, số ngành nghề được cấp phép đào tạo là 31 ngành, nghề trình độ cao đẳng; 32 ngành, nghề trình độ Trung cấp; cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho Tp.HCM và các tỉnh phía Nam; công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên trường; hoạt động ngoại khoá của học sinh - sinh viên được chú trọng...Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp vào đào tạo, nhà trường còn gặp một số vướng mắc về nguồn kinh phí; trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập tại trường; công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của các trường cùng cấp, cùng ngành...

Đoàn giám sát của Uỷ ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng

Làm việc với đại diện nhà trường, Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn mà nhà trường đang đối diện. Để giải quyết được những vấn đề đó, nhà trường phải có nhiều nỗ lực trong từng kế hoạch, chính sách phát triển của nhà trường. Trong đó, việc giải quyết những vấn đề về chính sách pháp luật, quản lý nhà nước trong đào tạo, dạy nghề; vấn đề tự chủ là yêu cầu cấp bách. Trường phải có những giải pháp kịp thời, phù hợp điều kiện thực tiễn.

Ông Phạm Hữu Lộc – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Tự Trọng - cho biết: “Năm 2017, chúng tôi có thành lập Hội đồng trường và cứ 3 tháng lại họp Hội đồng trường một lần gồm các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia...Hội đồng này dùng để giám sát các hoạt động của nhà trường. Hiệu trưởng sẽ phải báo cáo kế hoạch, định hướng, chiến lược, cơ cấu hoạt động của trường...”.

Nói về việc chăm lo “đầu ra” cho các em sinh viên, ông Phạm Hữu Lộc cũng cho biết: “Theo quy định, cứ 6 tháng Phòng Công tác chính trị - quản lý sinh viên sẽ khảo sát chất lượng đầu ra bằng cách trao đổi trực tiếp hoặc gọi điện thoại cho các em để nắm bắt thông tin. Bởi nhà trường quan tâm đến vấn đề các em có làm việc lâu dài hay không cũng là một điều quan trọng

Trao đổi với nhà trường, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên nhà trường, đặc biệt là những dự án, đề án trong đào tạo mà Trường đang triển khai, như: “Đầu tư nhà trường thông minh”, “Đầu tư ngành cơ khí trở thành ngành đào tạo mũi nhọn của trường giai đoạn 2018-2020”…Đặc biệt, nhà trường cần phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng trường trong công tác đào tạo của nhà trường trong tương lai.

Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng cũng đề nghị nhà trường cần có những kế hoạch cụ thể, rõ ràng hơn nữa trong mối liên kết liên thông với các trường đại học, đơn vị nào hợp tác, đơn vị nào cấp bằng... Việc xây dựng cơ sở mới là cần thiết, đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhà trường nhưng cần công khai, minh bạch; chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất để thu hút học sinh – sinh viên./.

Vũ Thạch