Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học ở phía Nam về hai nội dung lớn là tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học và chính sách tài chính đối với giáo dục đại học, từ đó bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn để thẩm tra việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội vào năm 2018.
Dự thảo lần thứ 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đề xuất sửa đổi, bổ sung 38/73 điều, tập trung vào 4 nhóm chính sách cơ bản. Trong đó, mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng của tự chủ giáo dục đại học trên các phương diện: Hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản. Tinh thần sửa đổi, bổ sung là bảo đảm tự chủ đại học được bao trùm, thể hiện trong các chương quy định về Tổ chức cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học.
Là những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ, đại diện Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đều cho rằng, nếu chưa giải quyết được 2 nút thắt về nhân sự và tài chính thì tất cả những tuyên ngôn về tự chủ đều không có ý nghĩa. “Liên quan đến tự chủ, cần có những quy định mở và thoáng, tạo điều kiện cho các trường phát triển”- Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh Mai Hồng Quỳ kiến nghị. Thậm chí có ý kiến đề nghị quy định hẳn một chương về tự chủ đại học, trong đó định nghĩa cụ thể về tự chủ đại học trong điều kiện của Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Văn Hùng, Ban soạn thảo đã rà soát toàn bộ 73 điều của Luật hiện hành, chọn ra 38 điều có vướng mắc, có nguy cơ lạc hậu, để sửa đổi, bổ sung, phù hợp với thời gian và nguồn lực cho phép. Dự thảo lần thứ 3 dựa trên các quan điểm lơn: Tiếp thu các vấn đề lớn thực tiễn đặt ra để sửa đổi, tạo điều kiện cho các trường ĐH phát triển; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế một cách có chọn lọc, phù hợp với điều kiện Việt Nam, để ổn định lâu dài, hội nhập, đi theo chuẩn mực thế giới; tiếp thu tối đa kinh nghiệm từ quá trình thí điểm giao tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Các chuyên gia thì cho rằng, cần làm rõ chính sách của nhà nước đối với giáo dục đại học. Luật cần tạo ra môi trường pháp lý, khuyến khích mọi đối tượng phát triển, sáng tạo, có động lực tự thân. Đã tự chủ thì cố gắng tự chủ trọn vẹn; trao quyền đầy đủ và có điều kiện…