Toàn cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; các thành viên Bộ Giáo dục và Đào Tạo; đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; đại diện Văn phòng Chính phủ cùng đông đảo các chuyên gia từ các trường, Viện nghiên cứu và các Hiệp hội nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục.
Chưa có định nghĩa chính thức
Tại phiên họp, đại diện Ban soạn thảo cho biết, dưới góc độ quản lý nhà nước, giáo dục thường xuyên là thực hiện xóa mù chữ cho những người từ 15 – 60 tuổi; bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết của cuộc sống cho tất cả mọi người; tạo thêm cơ hội cho những người có nhu cầu tiếp tục học tập để nâng cao trình độ học vấn.
Đại diện Ban soạn thảo cũng cho hay, theo tài liệu của UNESCO, thuật ngữ “giáo dục thường xuyên” dùng để chỉ sự giáo dục dành cho những người đã hoàn thành vòng giáo dục chính qui ở thời niên thiếu. Với cách hiểu như vậy, thuật ngữ này đồng nghĩa với giáo dục người lớn. Trên thế giới, giáo dục thường xuyên còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Theo đó, giáo dục thường xuyên dùng để chỉ một hệ thống giáo dục gồm hai giai đoạn khác nhau: giai đoạn giáo dục ban đầu và giai đoạn giáo dục tiếp tục. Hai giai đoạn này nối tiếp nhau, kéo dài từ khi con người lọt lòng đến hết cuộc đời. Ở Mỹ, giáo dục thường xuyên dùng để chỉ toàn bộ các cơ hội giáo dục tiểu học, trung học và sau trung học do các tổ chức công hoặc tư tiến hành. Người tham gia có thể thuộc bất kỳ lứa tuổi nào nhằm phát triển nhân cách, phát triển kiến thức nghề nghiệp, trong thời gian rỗi. Ở Tây Ban Nha và ở Pháp, giáo dục thường xuyên được hiểu là những hoạt động không ở các trường lớp chính quy, là hoạt động tự phát mà trong đó học tập là một sản phẩm ngẫu nhiên của cuộc sống.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu
Ở Việt Nam, giáo dục thường xuyên được hiểu là hệ thống giáo dục không chính quy, bên cạnh hệ thống giáo dục chính quy. Về thuật ngữ giáo dục thường xuyên, theo Luật giáo dục 2005 được sử dụng với nghĩa: giáo dục không chính quy giúp cho mọi người có cơ hội vừa làm, vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp để cải thiện cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với cuộc sống xã hội. Hình thức giáo dục không chính quy được thực hiện trước hết ở các cơ sở giáo dục không thường xuyên và cũng có thể được thực hiện trong cơ sở giáo dục chính quy.
Tại Tọa đàm, các đại biểu nhận định, hiện nay có nhiều cách hiểu về khái niệm “giáo dục thường xuyên. Trên thế giới, khái niệm này được thể hiện qua nhiều thuật ngữ khác nhau như giáo dục người lớn, giáo dục tiếp tục, giáo dục xã hội, giáo dục bổ túc, giáo dục không chính quy… Ngay cả Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng chưa đưa ra được định nghĩa chính thức về giáo dục thường xuyên, thay vào đó là định nghĩa về giáo dục người lớn, trong khi khái niệm này không được sử dụng trực tiếp trong luật. Tuy nhiên, thuật ngữ “giáo dục người lớn” hiện đang được dung trên phạm vi quốc tế.
Qua thảo luận, căn cứ vào cách hiểu chung hiện nay trên thế giới về giáo dục, các đại biểu cho rằng, nên định nghĩa như giáo dục thường xuyên là giáo dục được thực hiện khi người học là người lớn, sau khi rời ghế nhà trường, quay trở lại học tập nhằm mục đích hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ. Giáo dục thường xuyên không nhất thiết phải dẫn tới việc công nhận bằng văn bằng, chứng chỉ.
Cần đảm bảo cơ chế phối hợp trong quản lý
Về cơ chế quản lý trong giáo dục thường xuyên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Ngày nay, giáo dục thường xuyên được coi là hòn đá tảng của xã hội học tập. Vì vậy, giáo dục thường xuyên không phải là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, mà của toàn xã hội, bao gồm các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng…
Đại diện Ban soạn thảo phát biểu
Sự tham gia của cộng đồng và trách nhiệm trong quản lý của các bên có liên quan là yêu cầu số 1 trong cơ chế quản lý giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây là một điểm yếu và bức xúc dai dẳng trong cơ chế quản lý giáo dục thường xuyên nước ta. Quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành còn yếu, kém hiệu quả. Chưa có cơ chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhiều tổ chức xã hội chưa có trách nhiệm hỗ trợ phát triển cơ chế quản lý. Quan hệ hợp tác giữa ngành giáo dục và khu vực sử dụng lao động hầu như không có.
Để khắc phục tình trạng này, các đại biểu cho rẳng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định về đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý, phát triển giáo dục, nhất là đối với việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Cần có chính sách đầu tư thúc đẩy các tài nguyên giáo dục mở
Ngoài ra, trong bối cảnh giáo dục mở trên thế giới đang phát triển, thì việc gỡ bỏ các rào cản đối với giáo dục nên chủ yếu tập trung vào phát triển các tài nguyên giáo dục mở và các khóa học trực tuyến mở đại chúng, giúp người học một mặt giảm chi phí trong mua tài liệu học tập, mặt khác tạo điều kiện cho người học có thể tiếp cận các bài giảng chất lượng cao, miễn phí, mọi lúc, mọi nơi. Các chuyên gia cho rằng, điều đó mở đường cho bước phát triển mới của giáo dục thường xuyên để bất kỳ ai cũng có thể học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức kỹ năng, đáp ứng các đòi hỏi mới của thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu quy định nội dung này được thể hiện trong Luật Giáo dục (sửa đổi).
Đại biểu phát biểu tại Tọa đàm
Theo đó, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư thúc đẩy việc học tập của người lớn, khai thác và phát triển các tài nguyên giáo dục mở, các khóa học trực tuyến mở đại chúng, xây dựng xã hội học tập.
Cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu, thẩm tra nội dung này trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng như tham mưu những chính sách giáo dục phù hợp cho lĩnh vực này trong thời gian tới.