CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

20/07/2018

Tại buổi làm việc giữa Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ và Bộ VH, TT & DL vào sáng 17/7 về tình hình quản lý, sử dụng vốn NSNN trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều ý đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu phát triển văn hóa.

Toàn cảnh buổi làm việc

Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc chương trình mục tiêu phát triển văn hóa

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được trình bày tại buổi làm việc, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa mới được phê duyệt tháng 6/2017 với tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 10.620 tỷ đồng với 3 dự án.

Năm 2018, kinh phí được duyệt năm 2018 là 98 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau 1 năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới thực hiện tổng hợp và dự kiến gửi Bộ Tài chính phân bổ chi tiết khoản kinh phí này để thực hiện các dự án.

Các đại biểu đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu phát triển văn hóa.

Đề nghị công khai số liệu kinh phí vốn đầu tư phát triển du lịch

Về việc thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020, Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chương trình. Mặc dù được phân công là Chủ chương trình nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cũng như tham gia bố trí, phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình do địa phương chủ động, chịu trách nhiệm thực hiện và không thông qua Chủ chương trình dẫn đến tình trạng một số dự án phát triển hạ tầng du lịch được bố trí trong Chương trình còn chưa sát với mục tiêu, bố trí còn dàn trải phân tán tại nhiều khu du lịch.

Trước tình hình này, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai số liệu kinh phí vốn đầu tư phát triển và danh mục các dự án được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu phát triển Hạ tầng du lịch đã bố trí cho địa phương từ năm 2016-2018 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm thực hiện Chương trình đã được nêu tại Quyết định số 1861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ khâu xây dựng kế hoạch, thẩm định, phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát, thực hiện…nhằm đảm bảo mục tiêu, nội dung của Chương trình đã đề ra.

Liên quan đến việc thực hiện Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia về du lịch, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia có tổng kinh phí là 30 tỷ đồng; được chia cho 05 đơn vị, trong đó Tổng cục Du lịch 21 tỷ đồng để thực hiện 19 nhiệm vụ, các đơn vị khác được chia khoảng 1 tỷ đồng cho 01 nhiệm vụ. Đến nay Tổng cục Du lịch đã phê duyệt 10 nhiệm vụ với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Số kinh phí đã giải ngân tại Kho bạc là 5,6 tỷ đồng. Các đơn vị khác Bộ vẫn chưa nắm được con số giải ngân.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu

Tương tự, Chương trình Hành động quốc gia về du lịch năm 2018 có tổng kinh phí là 30 tỷ đồng. được chia cho 06 đơn vị, trong đó Tổng cục Du lịch 25 tỷ đồng để thực hiện 34 nhiệm vụ; các đơn vị khác được chia khoảng 1 tỷ đồng cho 01 nhiệm vụ. Đến nay Tổng cục Du lịch đã phê duyệt 19 nhiệm vụ với kinh phí trên 12 tỷ đồng. Số kinh phí đã giải ngân tại Kho bạc là trên 4,5 tỷ đồng. Các đơn vị khác Bộ vẫn chưa nắm được con số giải ngân.

Các đại biểu thấy rằng, kinh phí của 02 chương trình về du lịch này không lớn nhưng lại được chia cho nhiều đơn vị không có chức năng chuyên làm về du lịch hoặc nếu có thì sẽ bị chùng lặp về chức năng. Dẫn đến hiệu quả xúc tiến du lịch không cao, phân tán nguồn lực, tốc độ giải ngân thấp, trách nhiệm không phân định rõ. Do vậy, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tốc độ giải ngân của 02 Chương trình này.

Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Đối với việc xây dựng đề án Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Luật Du lịch số 09/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ thì đến nay Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vẫn chưa được thành lập và đi vào hoạt động vì nhiều lý do. Thường trực Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc thành lập Quỹ thực hiện theo đúng quy định của Luật Du lịch.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án thể dục, thể thao

Cũng theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đối với lĩnh vực thể dục, thể thao, năm 2018, dự án Cải tạo mặt sân (lớp phủ) sân điền kinh sân vận động trung tâm Khu Liên hợp Thể thao quốc gia bố trí 18 tỷ đồng mới được khởi công và dự kiến trong năm 2019 sẽ bổ sung 8,5 tỷ đồng để hoàn thành dự án này. Đồng thời năm 2019 khởi công mới dự án Chống lún sụt khán đài C, D sân vận động trung tâm Khu Liên hợp Thể thao quốc gia 352 triệu đồng.

Ủy viên Thường trực Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Nguyễn Quốc Hưng phát biểu

Thường trực Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng thấy rằng, với tiến độ thực hiện như trên, các dự án này sẽ không kịp đáp ứng cho việc tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội (địa điểm tổ chức chính) và tỉnh Hòa Bình với 36 môn thể thao. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ các dự án để phát huy hiệu quả.

 Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo thêm về việc bố trí các dự án về thể thao từ nay đến 2021 kết hợp với việc đăng cai tổ chức Seagames 31 tại Hà Nội năm 2012 nhằm khai thác hiệu quả cơ sở vật chất luyện tập, thi đấu thể thao đã được đầu tư.

 

Thu Phương

Các bài viết khác