ỦY BAN VH, GD, TN, TN & NĐ LÀM VIỆC VỚI BỘ VH, TT & DL VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NSNN TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO & DU LỊCH

17/07/2018

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; các thành viên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các thành viên của Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Tiến độ giải ngân chậm

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, theo dự toán ngân sách trung ương do Quốc hội duyệt, tổng số chi cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 2,941.166 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý sử dụng: 2.943,059 tỷ đồng, theo đó: Chi thường xuyên là 2.191,353 tỷ đồng chiếm tỷ trọng cao (74.5%), giảm 4.57% so với năm 2017. Tuy nhiên, tính đến 30/6/2018, giải ngân mới đạt 33% kế hoạch năm (724,361 tỷ đồng). Trong cơ cấu chi thì chi thường xuyên chủ yếu dùng để chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao, sự nghiệp giáo dục - đào tạo và quản lý nhà nước; Chi đầu tư phát triển là 750,206 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp (25.5% ) nhưng tăng 27.8% so với năm 2017.

Tuy nhiên, tính đến 30/6/2018 giải ngân mới đạt 11% kế hoạch năm (83,133 tỷ đồng).  Các đại biểu cho rằng, tiến độ giải ngân như vậy là rất chậm.

10 dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong 2018

Về chi xây dựng cơ bản, năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) 310 tỷ đồng, bằng 92,8% kế hoạch năm 2017. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị đầu tư là 3,06 tỷ đồng (tăng 4,9% so với năm 2017); Nguồn vốn thực hiện đầu tư là 306,94 tỷ đồng (giảm 7,3% so với năm 2017).

Đối với các Dự án thực hiện, Báo cáo của Bộ nêu rõ: Tổng số vốn là 306,94 tỷ đồng bố trí cho 30 dự án. Cụ thể, thanh toán khối lượng cho các dự án hoàn thành trước 31/12/2017 bao gồm 07 dự án (02 nhóm B, 05 nhóm C) là 14,703 tỷ đồng, chiếm 4,8% vốn thực hiện. Trong đó: Ngành Văn hóa có 01 dự án nhóm B và 02 nhóm C, bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành là 8,219 tỷ đồng (chiếm 8,9% vốn thực hiện của ngành Văn hóa); Ngành Thể thao có 01 dự án nhóm B và 03 dự án nhóm C, năm 2018 bố trí 6,484 tỷ đồng (chiếm 17,4% vốn thực hiện của ngành Thể thao).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Dự kiến năm 2018 có 10 dự án (08 dự án nhóm B, 02 dự án nhóm C) dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng, kế hoạch vốn năm 2018 bố trí tổng số 105,837 tỷ đồng (chiếm 34,5% vốn thực hiện) để dự kiến hoàn thành gồm các dự án: Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc tại Thái Nguyên; Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị âm thanh, ánh sáng và sân khấu biểu diễn phục vụ lễ hội và ca múa nhạc tạp kỹ cho Trung tâm tổ chức biểu diễn (gđ1); Nhà sáng tác văn học nghệ thuật khu vực Nam Bộ tại TP Cần Thơ; Nâng cấp nhà tập luyện đa năng - Trường Đại học TDTT TP. HCM; Dự án đầu tư xây dựng Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ; Trung tâm thực hành và thẩm định kỹ năng nghề Trường Cao đẳng nghề du lịch Huế giai đoạn I; Hệ thống thiết bị Y - Sinh Viện Khoa học Thể dục thể thao; Ứng dụng IPTV trong hoạt động quảng bá, truyền thông cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trụ sở các cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (giai đoạn 1); Cải tạo nhà làm Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Dự án chuyển tiếp gồm 07 dự án nhóm B được bố trí 129 tỷ đồng (chiếm 42% vốn thực hiện). Trong đó: Ngành Văn hóa có 01 nhóm B, bố trí vốn 30 tỷ đồng (chiếm 80,5% vốn thực hiện của ngành Văn hóa); Ngành Giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp có 02 nhóm B, năm 2018 bố trí 21 tỷ đồng (chiếm 49,9% vốn thực hiện của ngành Giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp); Ngành Y tế, dân số và vệ sinh an toàn thực phẩm có 01 dự án nhóm B, năm 2018 bố trí 15 tỷ đồng (chiếm 86,8% vốn thực hiện của ngành Y tế, dân số và vệ sinh an toàn thực phẩm); Ngành quản lý Nhà nước có 02 dự án nhóm B, năm 2018 bố trí 40 tỷ đồng (chiếm 42% vốn thực hiện của ngành Ngành quản lý Nhà nước); Ngành Giao thông có 02 dự án nhóm B năm 2018 bố trí 23 tỷ đồng (chiếm 100% vốn thực hiện của ngành Giao thông).

Năm 2018 khởi công mới 06 dự án (05 dự án nhó B - 01 dự án nhóm C) với tổng số vốn bố trí 57,4 tỷ đồng. Ngành Văn hóa có 02 dự án: Nhà hát Tuổi trẻ cơ sở 2 giai đoạn 1 bố trí 5 tỷ đồng; Cải tạo nâng cấp thư viện quốc gia Việt Nam (giai đoạn 1) bố trí 11 tỷ đồng. Ngành Thể thao: Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Sa Pa bố trí 5 tỷ đồng; Mở rộng trường Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh - Trung tâm Huấn luyện vận động viên trẻ (giai đoạn 2) bố trí 6,4 tỷ đồng; Cải tạo mặt sân (lớp phủ) sân điền kinh sân vận động trung tâm Khu Liên hợp Thể thao quốc gia bố trí 18 tỷ đồng. 

Chuẩn bị đầu tư 11 dự án

Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho thấy, tổng số vốn chuẩn bị đầu tư là 3.060 triệu đồng với 11 dự án. Cụ thể, Nngành Văn hóa là 1,019 tỷ đồng cho 05 dự án với 02 dự án chuyển tiếp: Cải tạo nâng cấp Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Cải tạo, nâng cấp khu phụ trợ biểu diễn Liên đoàn Xiếc Việt Nam và 03 dự án mới: Khu luyện tập thực hành Trường Trung cấp Múa TP.Hồ Chí Minh (cơ sở 2); Tu bổ và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuât cơ sở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Cải tạo, sửa chữa nhà tập chính Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu

Ngành Thể dục Thể thao là 352 triệu đồng cho 01 dự án chuyển tiếp gồm: Chống lún sụt khán đài C, D sân vận động trung tâm Khu liên hợp thể thao quốc gia.

Ngành Giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp là 1,489 tỷ đồng cho 04 dự án với 02 dự án chuyển tiếp: Trường Trung học Múa thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2); Cải tạo nâng cấp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và 02 dự án mới: Ký túc xá Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; Trung tâm thực hành và thẩm định kỹ năng nghề Trường Cao đẳng nghề du lịch Huế giai đoạn II.

Ngành giao thông là 200 triệu đồng cho 01 dự án mới là dự án Hệ thống giao thông Trường Trung học Múa thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2).

Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Cũng theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, tình hình giải ngân 06 tháng đầu năm 2018 (tính đến 30/6/2017) đạt thấp với 78,455 tỷ đồng, chiếm 25,31% Kế hoạch năm. Nguyên nhân việc giải ngân đạt thấp do kế hoạch đầu tư công năm 2017 không bố trí các dự án khởi công mới; một số dự án chuyển tiếp hoặc dự kiến hoàn thành trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế, hoặc gặp vướng mắc trong đường thi công cũng làm chậm tiến độ thi công

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 02 Công văn đôn đốc các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án (Công văn số 1076/BVHTTDL-KHTC ngày 21/3/2018; Công văn số 2387/BVHTTDL-KHTC ngày 5/6/2018). Theo đó yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường công tác nghiệm thu và giải ngân các khối lượng xây lắp hoàn thành; Đối với các dự án đang dự kiến chuẩn bị đấu thầu cần đẩy nhanh công tác phê duyệt thiết kế và dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh quá trình lựa chọn nhà thầu để thực hiện tạm ứng hợp đồng theo quy định; Theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 của các dự án, kịp thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm và các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân. Do vậy tình hình giải ngân bước đầu đã có chuyển biến tích cực (04 tháng đầu năm chỉ đạt 13,5% nhưng đến hết tháng 6/2018 đã giải ngân đạt 25,3%).

Các đại biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành điều hòa vốn, các dự án  giải ngân thấp so với kế hoạch vốn ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kiên quyết điều chuyển vốn cho các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt đang thiếu vốn; cắt giảm vốn các dự án không có khả năng thực hiện, đôn đốc các Chủ đầu tư khẩn trương thực hiện và phấn đấu hoàn thành 98-100% kế hoạch năm 2018 và dự kiến hoàn thành các dự án.

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị, Bộ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài ODA để kịp hoàn thành mục tiêu ước thực hiện 2018 như đã đề ra. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổng hợp, lập dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực.

Tổng chi ngân sách nhà nước tăng trong 2019

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho thấy, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch do Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý sử dụng năm 2019 là 3,939,865 tỷ đồng, tăng 33.87% so với năm 2018 do khối lượng công việc của Bộ tăng và số lượng dự án tăng lên. Trong đó, chi thường xuyên là 2.949,653 tỷ đồng (tăng 34.6%); chi đầu tư phát triển: 988,212 tỷ đồng (tăng 31.73%); Chi Chương trình mục tiêu là 2 tỷ đồng (tăng 33.33% so với năm 2018).

Đối với dự án sử dụng vốn trong nước là 601,558 tỷ đồng, tăng 94.05% so với năm 2018 cho 12 dự án chuẩn bị đầu tư và 29 dự án đang thực hiện.Dự án ODA là 386,654 tỷ đồng, giảm 12.17% so với năm 2018.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đều cho rằng, trong hoàn cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành, cơ quan có liên quan cần phối hợp với nhau chặt chẽ hơn để sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao trong lĩnh vực Bộ phụ trách. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án; phân kỳ thứ tự ưu tiên cho những dự án cấp bách, có thể triển khai và đưa vào sử dụng ngay.

Đánh giá cao tinh thần của buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, các ý kiên thảo luận hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu về vấn đề phân bổ ngân sách nhà nước năm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để có tham mưu phù hợp trong thời gian tới. 

Thu Phương