MỘT SỐ HÌNH ẢNHTỌA ĐÀM “QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN TRONG LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI)”

17/07/2018

Ngày 16/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về hệ thống giáo dục quốc dân trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; các thành viên Bộ Giáo dục và Đào Tạo; đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; đại diện Văn phòng Chính phủ cùng đông đảo các chuyên gia từ các trường, Viện nghiên cứu và các Hiệp hội nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục.

Tại phiên họp, đại diện Ban soạn thảo đã trình bày những điểm mới của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm có: Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm: 

Thảo luận tại Tọa đàm, các ý kiến phát biểu cho rằng, các quy định liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân cần lưu ý đến tính liên thông của hệ thống gắn liền với tính phân luồng. Các đại biểu cho rằng, yêu cầu về phân luồng là yêu cầu chung của mọi hệ thống giáo dục để đảm bảo có sự đa dạng về nguồn nhân lực theo định hướng hàn lâm và nghề nghiệp. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, những ý kiến góp ý tại tọa đàm hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng như tham mưu những chính sách giáo dục phù hợp cho lĩnh vực này trong thời gian tới

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam

Các đại biểu cho rằng, vai trò của mạng lưới cơ sở giáo dục đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức thực hiện phân luồng, liên thông, góp phần hiện thực hóa mô hình giáo dục mở và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Vì vậy, cần thiết bổ sung trong chương các quy định chung một điều về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục

Các đại biểu chỉ ra rằng, điểm yếu trong tổ chức phân luồng của giáo dục nước ta không phải là ở cơ cấu hệ thống mà là ở cơ chế vận hành. Cơ chế này phụ thuộc vào mối quan hệ đồng bộ giữa chương trình giáo dục và việc tổ chức thực hiện chiến lược giáo dục ở địa phương (bao gồm quy hoạch trường lớp, dự báo về cơ cấu và nhu cầu nhân lực, phát triển thị trường việc làm)

Về cơ chế quản lý trong giáo dục thường xuyên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, ngày nay, giáo dục thường xuyên được coi là hòn đá tảng của xã hội học tập. Vì vậy, giáo dục thường xuyên không phải là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, mà của toàn xã hội, bao gồm các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng

Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư thúc đẩy việc học tập của người lớn, khai thác và phát triển các tài nguyên giáo dục mở, các khóa học trực tuyến mở đại chúng, xây dựng xã hội học tập

Thu Phương