TỌA ĐÀM “QUY ĐỊNH TRONG LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI) VỀ TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG – TƯ”

23/07/2018

Ngày 23/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Tọa đàm “Quy định trong Luật giáo dục (sửa đổi) về trách nhiệm giáo dục và mối quan hệ công – tư”. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm 

Tọa đàm có sự tham dự của các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, các đại biểu đại diện Ban soạn thảo, đại diện Văn phòng Chính phủ và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường, Viện nghiên cứu và các Hiệp hội nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có bố cục gồm 10 Chương, 114 Điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Thảo luận về những điểm mới của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về trách nhiệm giáo dục, các đại biểu nhận định, trách nhiệm của nhà nước, nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục đã được thể chế hóa khá đầy đủ tại Luật Giáo dục (sửa đổi) tại các Điều 82, 83, 86, 96. Tuy nhiên môi trường thực hiện, đưa các quy định của Luật vào cuộc sống còn chưa đủ chặt và nghiêm.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, hiện nay quá trình phân công trách nhiệm thực tế giữa các bộ, các ngành, địa phương vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, phân mảnh và phân tán. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt. Trách nhiệm và quyền hạn quản lý chuyên môn chưa đi đôi với tách nhiệm, quyền hạn quản lý về nhân sự, tài chính. Mặt khác, hệ thống giáo dục và chính sách giáo dục thiếu đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Các đại biểu tại Tọa đàm

Để khắc phục những hạn chế này, các đại biểu cho rằng, cần phải xây dựng được cơ chế đánh giá và giám sát sự phối hợp, phân công của các cơ quan quản lý nhà nước trong giáo dục; đồng thời có cơ chế về trách nhiệm giải trình đến nơi đến chốn để việc phân công, phân cấp trong quản lý giáo dục có hiệu quả thực sự.

Về trách nhiệm của nhà trường, các chuyên gia nhận định, điểm đáng quan tâm trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là quy định về tự chủ. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần giải thích cụ thể khái niệm tự chủ và trách nhiệm giải trình để đảm bảo sự thống nhất về nhận thức. Đặc biệt, ngoài trách nhiệm giải trình, nhà nước cần quy định rõ ràng các điều kiện để nhà trường được giao quyền tự chủ, trọng tâm là việc kiểm định chất lượng giáo dục của các trường và việc thành lập Hội đồng trường để thay nhà nước quản lý các hoạt động của nhà trường trước khi giao quyền tự chủ. 

Liên quan đến mối quan hệ công- tư trong giáo dục, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần thể chế hóa cụ thể các chủ trương, chính sách đảm bảo sự đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trong việc cung cấp dịch vụ công; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động; chuyển phương thức phân bổ ngân sách mang tính bình quân hiện nay sang phương thức nhà nước đặt hàng đào tạo theo nhu cầu của Nhà nước, từng bước tiến tới thực hiện phương thức đấu thầu đào tạo, không phân biệt công lập, tư thục...

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, những ý kiến góp ý tại tọa đàm hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu, thẩm tra nội dung này trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)./.

Thu Phương

Các bài viết khác