ỦY BAN VH, GD, TN, TN & NĐ LÀM VIỆC VỚI BỘ VHTT&DL VỀ DỰ ÁN LUẬT THƯ VIỆN

24/07/2018

Sáng 24/7, tại Hà Nội, Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ đã có buổi làm việc với Bộ VHTT & DL về tiến độ soạn thảo và những nội dung chủ yếu của dự án Luật Thư viện. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; các thành viên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các thành viên của Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn

Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thư viện, tiến độ soạn thảo và những nội dung chủ yếu của dự án Luật Thư viện, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau khi Pháp lệnh thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào 01/4/2001 để phát triển sự nghiệp thư viện Việt Nam, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn thư viện phục vụ lưu động. Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành 184 văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: các chỉ thị, quyết định về tăng cường đầu tư, định hướng hoạt động, chính sách đầu tư, xã hội hóa... cho hoạt động thư viện ở địa phương; các quyết định về quy chế tổ chức và hoạt động của thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; các kế hoạch, chương trình phối hợp công tác liên ngành.

Tuy nhiên, đại diện Ban soạn thảo cũng cho biết, Pháp lệnh thư viện chưa điều chỉnh toàn diện các hoạt động thư viện, nhiều nội dung quan trọng còn quy định tản mạn ở nhiều văn bản dưới pháp lệnh; quy định về hệ thống thư viện ngoài công lập (thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, dòng họ, tủ sách học sinh, tủ sách của các tổ chức tôn giáo, thư viện có yếu tố nước ngoài) còn thiếu hoặc chưa rõ ràng; quy định về thư viện số chưa được đề cập; quy định về chính sách của Nhà nước đối với thư viện còn chung chung, dàn trải, chưa rõ ràng, nên chưa thực sự đi vào thực tiễn, sự đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển ngành, chưa đảm bảo cho thư viện phát triển bền vững; quy định chức năng, nhiệm vụ của Thư viện Quốc gia Việt Nam còn chưa tách bạch, chồng chéo với nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước; quy định về phân loại thư viện chưa hợp lý nên không được những người làm công tác thư viện, các nhà nghiên cứu về thư viện học đồng tình; vấn đề xếp hạng thư viện chỉ áp dụng đối với hệ thống thư viện công cộng và dựa trên tiêu chí hành chính đã triệt tiêu động lực phấn đấu, kìm hãm sự phát triển của thư viện… Mặt khác, quy định về xuất bản phẩm điện tử trong Luật Xuất bản đã đặt ra yêu cầu mới liên quan đến công tác bổ sung, xử lý, bảo quản, lưu thông vốn tài liệu thư viện dưới dạng số hóa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Đáng chú ý, hoạt động của thư viện trong những năm qua được thực hiện không vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường, việc coi thông tin như một thứ hàng hóa, triển khai các dịch vụ thu phí và thực hiện tự chủ đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các thư viện. Với chủ trương xã hội hóa, việc người dân tích cực tham gia cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện đã hình thành và phát sinh nhu cầu kinh doanh từ việc khai thác các nguồn tài nguyên vốn tài liệu và cung cấp các dịch vụ để thu lợi nhuận cũng cần xem xét, điều chỉnh.

Cũng theo đại diện Ban soạn thảo, việc điều chỉnh các hoạt động về thư viện ở nước ta mới chỉ có Pháp lệnh, trong khi một số lĩnh vực có liên quan hoặc tương đồng như xuất bản, bảo tàng, điện ảnh đã có Luật điều chỉnh: Luật xuất bản, Luật di sản văn hóa, Luật điện ảnh… Nhiều nội dung quản lý, tổ chức hoạt động của thư viện được điều chỉnh bởi thông tư, quyết định của Bộ trưởng như: vấn đề quy hoạch phát triển ngành thư viện đang thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành năm 2007, trong khi các lĩnh vực khác như bảo tàng (2005), điện ảnh mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn (2014) được điều chỉnh bởi Luật và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; vấn đề tư nhân tham gia các hoạt động về bảo tàng, di sản văn hóa, điện ảnh… đều được quy định trong luật, nhưng thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng mới được quy định và đang thực hiện theo Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2009 nên hiệu lực còn hạn chế; việc phân loại và xếp hạng thư viện quy định tại Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT ngày 10/8/2006 của Bộ Văn hóa-Thông tin.

Ủng hộ nâng Pháp lệnh lên thành Luật

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viện Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy, hiện nay nhu cầu đọc của người dân nước ta vẫn rất lớn. Tuy nhiên trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ số, thói quen, hình thức, văn hóa đọc đã thay đổi. Chính vì vậy, việc vận hành, quản lý thư viện cũng cần phải điều chỉnh để phù hợp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ cho rằng, mặc dù việc ra luật trong bối cảnh hiện tại là một thách thức lớn. Tuy nhiên, việc nâng Pháp lệnh thư viên lên thành Luật là rất cần thiết đề chiếm lĩnh lại thị trường đọc, đảm bảo chất lượng thông tin đến với bạn đọc thông qua hệ thống thư viện.

Để có thể tạo được sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên quan tâm đến việc tiếp thu, lấy thông tin từ sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng cần phải quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hóa đọc ngay từ giai đoạn này.

Hoàn tất thủ tục hành chính để xây dựng dự án Luật

Theo Đề cương chi tiết Luật Thư viện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Luật Thư viện có bố cục gồm 5 Chương, 52 Điều quy định về thư viện, các hoạt động của thư viện; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động của thư viện.

Về tiến độ soạn thảo dự án Luật, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày 13/7/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Quyết định số 2651/QĐ-BVHTTDL ban hành kế hoạch xây dựng dự án Luật thư viện. Theo đó, dự kiến tháng 7/2018 sẽ hoàn tất thủ tục hành chính liên quan đến triển khai xây dựng dự án Luật thư viện (phê duyệt Kế hoạch, thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập, xây dựng dự trù kinh phí…).

Tháng 8 - 9/2018 sẽ xây dựng dự thảo Luật thư viện và hồ sơ theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức hội thảo lấy ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu

Tháng 9 - 10/2018 dự kiến lấy ý kiến các bộ, ngành, đối tượng điều chỉnh của Luật thư viện và toàn thể nhân dân. Tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Khảo sát thực tiễn để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật và lấy ý kiến các nội dung hướng dẫn trong Nghị định.

Dự kiến, tháng 11 sẽ tổng hợp ý kiến góp ý, tiếp thu chỉnh lý dự thảo hoàn thiện dự thảo Luật và Nghị định hướng dẫn. Tháng 12 gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Tháng 1-2/2019 tiếp thu ý kiến thẩm định, hoàn thiện dự thảo, chỉnh lý hồ sơ…; phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiêm túc chuẩn bị, triển khai công việc, cố gắng hoàn thiện dự thảo sớm so với tiến độ để gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới để hoàn thiện dự án Luật.

Tại buổi làm việc, những điểm mới và những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cũng được các thành viên của Thường trực Ủy Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thảo luận, cho ý kiến.

Thu Phương

Các bài viết khác