MỘT SỐ HÌNH ẢNH LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

18/03/2019

Sáng ngày 18/3, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với các bộ ngành về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc.

Tham gia buổi làm việc có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH); đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các bộ ngành có liên quan cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 27/11/2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015. Đây là một đạo luật đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức hoạt động đào tạo (tuyển sinh đào tạo; tiêu chuẩn, chế độ đối với nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; thi, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm định chất lượng...)

Báo cáo trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, ngay từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn đào tạo trình độ sơ cấp theo quy định của Luật

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình mong muốn, qua buổi làm việc hôm nay, Ủy ban cũng như các bộ, ngành sẽ nhìn được bức tranh thực trạng về giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay. Từ đó, nhìn nhận được những chuyển biến cũng như những điểm nghẽn, vướng mắc mà giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Qua đó, có những tổng kết, đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này để có những điều chỉnh phù hợp

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành có liên quan cũng tham gia báo cáo về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực mà mình trực tiếp quản lý, phụ trách

Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước đang vận hành đồng bộ các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và chưa thấy có vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện

Tuy nhiên, hiện nay chưa có chính sách, cơ chế sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Công tác dự báo, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực còn chưa làm tốt. Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề gặp nhiều khó khăn...

Hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp đã cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; hướng tới việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Thu Phương